Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ, phần lớn các dự án trong số 54 dự án do bộ quản lý sẽ giảm phí, trừ một số ít trạm có lưu lượng phương tiện quá thấp. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể của từng trạm sẽ khác nhau và sẽ được chốt chính thức sau khi công tác rà soát cũng như đàm phán được hoàn tất.

Trước mắt, dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hoàn tất công tác đàm phán với Tổng cục Đường bộ về phương án giảm phí từ 22-25% cho tất cả các nhóm phương tiện và đề xuất lên Bộ GTVT để quyết định trong ngày 22/9. Thời điểm giảm phí từ ngày 15/10/2017.

Liên quan đến việc giảm phí dự án BOT, chia sẻ trên báo chí, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho hay, Tổng cục Đường bộ đã làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ để đàm phán và hai bên đã thống nhất điều chỉnh giảm mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo đó, xe dưới 9 chỗ đi hết tuyến dài 28km được giảm từ 45.000 đồng/lượt còn 35.000 đồng/lượt.

Đề xuất giảm phí 54 dự án BOT trong tháng 11 do Bộ GTVT quản lý - Hình 1

Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ chính thức giảm phí từ 15/10

Cùng với việc giảm phí, thời gian thu phí dự kiến sẽ không đổi và kéo dài khoảng 17 năm và tới năm 2021, tuyến đường này tăng phí trở lại với mức 18%, lộ trình sau đó sẽ 3 năm tăng phí một lần.

Trong thời gian qua, người dân tại nhiều địa phương đã có phản ứng với các trạm thu phí BOT bằng cách dùng tiền lẻ hoặc cố tình gây ùn tắc để buộc phải xả trạm. Mới đây nhất, người dân sống cạnh trạm thu phí Đại Yên (Quảng Ninh) bày tỏ sự phản đối do dự án này đường xấu và phí cao.

Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất miễn phí 100% cho người dân sống trong phạm vi 4km tính từ 2 đầu trạm thu phí và giảm 70% với người có hộ khẩu cách trạm thu phí từ 4 - 8km. Còn đại diện Hiệp hội Vận tải Việt Nam đang đề xuất bỏ hai trạm thu phí trên Quốc lộ 5.

Ngọc Linh