Theo đó, Chung cư New Sài Gòn tọa lạc tại xã Phước Kiển (H.Nhà Bè, TP.HCM), do Công ty Hoàng Nguyên làm chủ đầu tư đã đưa vào sử dụng năm 2009. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư này vẫn chưa chịu bàn giao đủ 2% kinh phí bảo trì chung cư cho người dân.
Mặc dù, ban quản trị chung cư này đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư phải thực hiện việc bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì cho cư dân theo đúng quy định của pháp luật nhưng công ty Hoàng Nguyên vẫn không bàn giao hết. Ước tính tổng số tiền chủ đầu tư còn phải bàn giao cho cư dân khoảng 31 tỷ đồng.
Chủ đầu tư Chung cư New Sài Gòn bị phạt hành chính 125 triệu đồng vì chây ỳ bàn giao phí bảo trì
Với hành vi chậm trễ bàn giao và bàn giao không đầy đủ phí bảo trì các hạng mục sở hữu chung ở, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP.HCM ban hành quyết định xử phạt hành chính chủ đầu tư này số tiền 125 triệu đồng.
Trước đó, vào ngày 13/9, Thanh tra Sở Xây dựng đã phối hợp UBND xã Phước Kiển làm việc với Ban quản trị Chung cư New Sài Gòn và ghi nhận đến thời điểm ngày 13/9, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao đủ kinh phí bảo trì. Dù đoàn kiểm tra đã mời Công ty Hoàng Nguyên cùng tới làm việc nhưng chủ đầu tư này đã không đến.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản ghi nhận sự vắng mặt của đại diện Công ty Hoàng Nguyên. Do mức phạt hành chính 125 triệu đồng về quản lý sử dụng nhà và công sở không thuộc thẩm quyền nên Thanh tra Sở Xây dựng đề xuất UBND huyện Nhà Bè ra quyết định xử phạt.
Ngoài ra, Sở Xây dựng còn đề xuất hình phạt bổ sung, buộc Công ty Hoàng Nguyên phải bàn giao ngay phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định. Nếu chủ đầu tư vẫn không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành và phải chi trả kinh phí cho cơ quan, tổ chức thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nếu có.
Việc chiếm dụng hay chây ỳ bàn giao 2% quỹ bảo trì chung cư không phải là chuyện hiếm, việc các quy định của pháp luật trước đây chưa quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư, các chủ sở hữu nhà chung cư, các cấp chính quyền trong công tác quản lý vận hành nhà cư; chưa có chế tài xử lý về chậm thành lập BQT, chế tài xử lý cưỡng chế chậm bàn giao kinh phí bảo trì 2% cũng được cho là nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng chiếm dụng quỹ bảo trì trở thành vấn đề “nóng”.
Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng kiến nghị, với hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì, Bộ Công an cần chủ trì tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể vi phạm.
Theo Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Việc Bộ Xây dựng đề xuất Công an khởi tố chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư là có căn cứ. Luật Nhà ở đã quy định rõ chủ đầu tư phải bàn giao khoản phí bảo trì 2% cho cư dân ngay khi Ban quản trị tòa nhà đó được thành lập. Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực thi Luật này nêu rõ trong thời hạn 7 ngày sau khi Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao toàn bộ phí bảo trì cho Ban quản trị; nếu không bàn giao sẽ thực hiện các thủ tục cưỡng chế.
Hơn nữa, nếu có bằng chứng về việc chủ đầu tư cố tình chiếm đoạt phí bảo trì, thì đây là dấu hiệu của tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Do vậy các khu dân cư, Ban quản trị có quyền tố cáo hành vi của chủ đầu tư đến cơ quan công an mà không cần chờ sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.
Hải Đăng