Theo Cục Bảo vệ thực vật, cụ thể tiến trình hiện diện của nhãn, chanh, bưởi, khoai lang như sau: Trước tiên là sản phẩm chanh leo của Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc với các quy định tạm thời. Tiếp đến, sầu riêng và chuối của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước.
Quả chanh và bưởi của Việt Nam hiện diện tại thị trường New Zealand sau khi điều kiện nhập khẩu được hai bên ký kết vào ngày 15/11. Mới đây, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) cũng công bố trên trang web của Chính phủ cho phép nhãn tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Nhật Bản ngày 18/11.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ những nhọc nhằn để nông sản Việt hiện diện tại thị trường thế giới: “Tất cả đều đàm phán rất dài”.
Chẳng hạn, với chanh và bưởi xuất khẩu vào New Zealand, mất gần 03 năm từ ngày nộp hồ sơ kỹ thuật. Còn với nhãn, Cục Bảo vệ thực vật nộp hồ sơ kỹ thuật từ năm 2016 nhưng đến tháng 11/2022 mới hoàn tất các thủ tục theo quy định để xuất khẩu vào Nhật Bản. Thậm chí, khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc, mất đến 10 năm.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định: Việc ký kết các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo điều kiện pháp lý rõ ràng minh bạch, cũng là tạo động lực cho nông dân Việt Nam làm ăn chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn và quy mô lớn hơn.
Người dân, doanh nghiệp cũng có ý thức kiểm soát sinh vật gây hại, không làm ảnh hưởng môi trường, chất lượng sản phẩm tăng lên, giá cả tăng lên. “Sầu riêng giá tăng gấp 3 khi có nghị định thư, tạo thêm thu nhập cho người dân”, ông Trung chia sẻ.
Công Huy (t/h)