Chỉ tính trong 5 năm (2011-2016), số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ đã tăng 28 đơn vị, trung bình mỗi cơ quan tăng thêm 1,1 đơn vị. Số lượng các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị. Tính đến tháng 6/2017, cả nước có đến 42 tổng cục, tăng 100% so với nhiệm kỳ Chính phủ khóa XI. Số lượng các vụ, cục, phòng tăng từ 4,7% đến 13,6% so với năm 2011.
Về biên chế công chức, đã được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm nhưng nhìn chung, việc giao và quản lý biên chế chưa khoa học; thẩm quyền quản lý biên chế chưa thống nhất, thiếu tập trung. Vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Việc sử dụng lao động hợp đồng làm chuyên môn không đúng quy định vẫn diễn ra khá phổ biến.
Việc xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tính khả thi không cao; tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, không theo đúng quy định và chưa đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị (tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong 02 năm 2015 và 2016 khối các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (mới đạt 0,83%).
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết: Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước là chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước. Các Nghị quyết từ Đại hội X, XI và đến Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đều thể hiện quan điểm đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn, thông suốt, hiện đại, khắc phục tình trạng quan liêu, bỏ trống hoặc trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Gắn với đó là tinh giản biên chế, cơ cấu lại nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Chính phủ, các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm thực hiện chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, song có thể thấy thực tế còn không ít những bất cập khi bộ máy đang “phình” ra và biên chế tiếp tục tăng lên.
Theo ĐBQH Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tuy đã được tích cực sắp xếp, kiện toàn qua các nhiệm kỳ nhưng đến nay tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn biểu hiện cồng kềnh, còn tầng nấc trung gian. Chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan hành chính nhà nước, tuy đã cơ bản khắc phục được sự chồng chéo, nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn giao thoa, đan xen hoặc phân công chưa thực sự phù hợp hoặc chưa đủ rõ, dẫn đến khó xác định trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra.
Cơ chế “chủ trì, phối hợp” trong quản lý nhà nước còn phổ biến, nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải hội họp nhiều, quy trình xử lý công việc chậm.
ĐBQH Phạm Viết Lượng (đoàn Bình Phước) cho rằng, tinh giản biên chế, bộ máy là yêu cầu khách quan và cấp thiết, tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người đứng đầu buông lỏng quản lý, chưa quyết liệt thực hiện, kỷ luật công vụ chưa nghiêm...
Đại biểu Lượng đề xuất giải pháp khẩn trương rà soát quy định về tổ chức các bộ ngành, giảm cấp trung gian, giảm đầu mối, biên chế; kiên quyết sắp xếp lại, giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả, hợp nhất các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; kiểm điểm, xử lý nghiêm các sai phạm, công khai kết quả xử lý để nhân dân giám sát...
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng kết quả cải cách tổ chức bộ máy tuy đã đạt nhiều kết quả nhưng chưa vững chắc, đại biểu phân tích tình trạng cấp trên “ôm đồm”, cấp dưới “đẩy việc” lên cấp trên, việc gì cũng xin phép, dẫn đến quá tải ở Trung ương, cấp dưới bị động, ỷ nại, cơ chế xin cho bị lạm dụng, cơ chế trách nhiệm không rõ ràng, dẫn đến công việc của dân, của nước bị ách tắc...
Các ĐBQH nhấn mạnh, mặc dù bộ máy “phình” ra nhưng lại không bao quát được hết các lĩnh vực quản lý nhà nước. Trên thực tế, nhiều trường hợp một lĩnh vực được giao cho từ 2 đến 3 bộ cùng phụ trách như quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, phát triển du lịch, quản lý ngoại thương, quản lý nợ công, quản lý giao thông đô thị, bảo đảm an toàn thông tin, hỗ trợ phát triển nông thôn, quản lý hoạt động quảng cáo, giáo dục nghề nghiệp…
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2011, có hai vấn đề bỏ trống quản lý nhà nước và cho đến tháng 8/2017 mới khắc phục được điều này. Hiện còn 18 vấn đề có sự giao thoa, chồng chéo trong quản lý hoặc có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành về phân định nhiệm vụ.
Một thực trạng nữa đang hiển hiện trong bộ máy, đó là nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, trong đó có tổ chức hoặc văn phòng giúp việc hoạt động chuyên trách, làm phát sinh tổ chức bộ máy và biên chế. Cơ chế xác định trách nhiệm “chủ trì, phối hợp” đã dẫn đến hình thành thêm nhiều tổ chức phối hợp liên ngành và tình trạng đùn đẩy trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các cơ quan.
Nhiều trường hợp bộ, ngành tham gia phối hợp còn ỷ lại, trông chờ vào các ban chỉ đạo, hội đồng liên ngành, gây lãng phí về kinh phí, thời gian, nguồn lực, thậm chí phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế nhưng hiệu quả không rõ ràng, không xác định được trách nhiệm khi có vấn đề phát sinh. Theo thống kê, vẫn có 24 tổ chức liên ngành có Văn phòng thường trực đặt tại bộ, ngành chủ trì, có biên chế và được ngân sách nhà nước bảo đảm.
Theo ĐBQH Lê Anh Tuấn (đoàn Hà Tĩnh), những hạn chế, bất cập trong cải cách hành chính Nhà nước là do một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng còn chậm được thể chế hóa hoặc chưa được thể chế hóa đầy đủ, nên chưa tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để triển khai thực hiện trên thực tế, chưa tạo nên chuyển biến mạnh mẽ, có tính đổi mới đột phá trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Các luật chuyên ngành vẫn chưa thể hiện rõ tư duy mạnh dạn, đổi mới trong phân cấp, phân quyền; một số luật trong lĩnh vực kinh tế thậm chí còn có xu hướng tập trung nhiều quyền hơn cho các cơ quan ở Trung ương.
Hoan Nguyễn