Dù nhiệm kỳ Chủ tịch luôn phiên của Liên minh Châu Âu (EU) chỉ kéo dài 6 tháng nhưng việc Hungary đảm nhiệm vị trí quan trọng này từ đầu tháng Bảy đang gây  nhiều mối lo cho Liên minh.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. (Nguồn: Reuters)
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Nguồn Reuters.

Lâu nay, dù cùng trên con tàu EU nhưng Budapest và Brussels thường không cùng nhìn về một hướng. Thậm chí, Hungary còn bị mô tả là “chọc gậy bánh xe”, “viên đá cản đường”, “kẻ phá hoại Châu Âu”…

Thực tế, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhiều lần cản trở các cuộc đàm phán hoặc dùng quyền phủ quyết tại các hội nghị thượng đỉnh EU để ngăn chặn, trì hoãn nhiều quyết định của EU như chính sách phân bổ người tị nạn cho các nước thành viên, vấn đề mở cửa thị trường cho nông sản Ukraine.

Đặc biệt, Hungary là nước đi đầu trong EU phản đối viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine, muốn tìm cách giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine thông qua đàm phán hòa bình chứ không phải tăng cường cấm vận.

Điều đáng chú ý nữa là ông Orban lên làm Chủ tịch EU vào thời điểm mà phe cực hữu đang trỗi dậy ở lục địa già sau cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu, báo hiệu khả năng có những thay đổi về chính sách trong nhiều vấn đề. Trước mắt, ông Orban đang gây phân tâm dư luận bằng khẩu hiệu cho nhiệm kỳ của mình là “Hãy làm Châu Âu vĩ đại trở lại”, giống với cách của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến Budapest thường hay mâu thuẫn với Brussel mà một trong số đó chính là trong con mắt của Hungary, EU ngày càng quan liêu, theo đuổi xu hướng tập trung hóa, mở rộng quá mức, tước bỏ một số quyền của các nước thành viên, gây nguy hiểm cho chủ quyền của các quốc gia, ảnh hưởng đến tính đa dạng và sự sáng tạo của liên minh.

Tất nhiên, với thời gian ngắn sáu tháng, ông Orban khó có thể thay đổi được gì nhiều. Thêm vào đó, chương trình nghị sự sắp tới của EU cũng không nhiều việc như trong giai đoạn Bỉ làm Chủ tịch. Nhưng với mâu thuẫn chưa được hóa giải, “ngựa chứng” Hungary sẽ còn khiến Brussels đau đầu.

Theo baoquocte.vn