Tại Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của TP, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa trong những tháng cận Tết năm 2019 tăng từ 10% đến 15% so với các tháng trong năm.
Số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết năm 2019 (tính cho 2 tháng) gồm: gạo 190.600 tấn; thịt lợn 44.000 tấn; thịt gà 14.600 tấn; thịt bò 12.306 tấn; thủy hải sản 11.200 tấn; thực phẩm chế biến 12.800 tấn; rau củ 254.400 tấn; 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát và các mặt hàng về may mặc, điện máy...
Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết năm 2019 đạt 28,5 nghìn tỷ đồng tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.
Hàng hóa phụ vụ tết đã được trưng bày nhiều trong các siêu thị
Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Hiện tại đã có trên 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình; đưa hàng hóa bình ổn tới khoảng 1.1000 điểm bán hàng phục vụ người tiêu dùng. Các điểm bán hàng bình ổn thuộc doanh nghiệp bình ổn thực hiện treo biển nhận diện theo mẫu quy định.
Được biết, hàng bình ổn chiếm khoảng 30-40% thị phần. Với sự tham gia của các đơn vị chủ lực trong lĩnh vực phân phối như Saigon Co.op, Satra, Aeon Citimart, Lotte… cùng hệ thống hơn 4.000 cửa hàng bình ổn mặt hàng lương thực - thực phẩm, hàng thiết yếu Tết sẽ được đưa đến tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý, ổn định trong 2 tháng trước và sau Tết. Đặc biệt trong 2 ngày cận Tết, các doanh nghiệp sẽ giảm giá sâu mặt hàng thịt heo, thịt gà, trứng gà/vịt...
Các siêu thị lớn như Big C, Co.opmart, Vinmart… cho biết, đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, tránh khan hàng, sốt giá. Ngoài các mặt hàng thiết yếu, các siêu thị lớn đều chuẩn bị một lượng lớn hoa quả, thực phẩm nhập khẩu phục vụ người tiêu dùng phân khúc cao cấp.
Các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, cam kết đáp ứng đủ nhu cầu cho Tết Nguyên Đán.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội), siêu thị này vẫn tập trung vào các nguồn hàng Tết như bánh kẹo, hoa quả, mứt Tết, dầu ăn, giò chả, gia vị nước chấm và các nhu yếu phẩm. Co.opmart Hà Đông cũng đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá với Sở Công thương Hà Nội, giữ ổn định giá bán các mặt hàng trong dịp Tết.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn thì cho biết, Haprp đã lên kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu để phục vụ Tết, các điểm bán hàng bình ổn giá trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, bán đúng giá quy định, góp phần giữ vững sự ổn định của thị trường.
Các mặt hàng thực phẩm, nông sản, theo sở Công thương Hà Nội thì thành phố tự đáp ứng được không nhiều, chỉ có thịt lợn và thịt gà, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Gạo Thành phố chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu; thịt bò chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu; thủy hải sản đáp ứng 5% nhu cầu; trứng gia cầm đáp ứng 66% nhu cầu; thực phẩm chế biến đáp ứng 25% nhu cầu; rau củ đáp ứng 65% nhu cầu; quả các loại đáp ứng khoảng 35% nhu cầu.
Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp tại Hà Nội đã làm việc với nhà sản xuất, phân phối tại các tỉnh, thành phố lân cận từ tháng hồi tháng 7, đồng thời ký kết các biên bản hợp tác tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị này. Được biết cho tới thời điểm hiện tại, thành phố đã đảm bảo nguồn cung cho các sản phẩm thiết yếu phục vụ tết của người dân.
Thị trường hàng khô phục vụ tết năm nay cũng rất đa dạng.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, địa phương này đã huy động hơn 18.000 tỷ đồng hàng hóa cho dịp Tết Kỷ Hợi. Được biết, lượng hàng chuẩn bị cho mùa tết 2019 tăng 13,2% đến 16,9% so với kế hoạch Thành phố giao và tăng 23% đến 36% so với kết quả thực hiện trong dịp Tết Mậu Tuất 2018.
Theo đó, tổng trị giá các nhóm hàng lương thực, thực phẩm được các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết là 18.424,8 tỷ đồng, tăng 612,7 tỷ đồng (3,44%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018. Đối với tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 6/1 đến ngày 4/2/2019 (tức từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng trị giá hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là trên 10.812 tỷ đồng, trong đó, hàng bình ổn thị trường là trên 4.211 tỷ đồng.
Trước đó, Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh đã làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa. Đơn vị này cũng phối hợp với các tỉnh, thành phố khác để tìm kiếm, bổ sung nguồn hàng đặc sản tết.
Thống kê tại các chợ đầu mối cho biết, hàng hóa nhập bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản; chiếm khoảng 60% đến 70% thị trường. Các tiểu thương cũng đã liên kết chặt chẽ với nhà vườn để đảm bảo nguồn cung hàng hóa và ổn định giá cả dịp tết. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa tết với số lượng tăng 2 đến 3 lần so với tháng thường.
Sở Công thương đã làm việc với các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối của TP, thống nhất nới rộng thêm thời gian bán hàng tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... trong dịp tết. Cụ thể từ ngày 20 đến 26 tháng Chạp, thời gian bán hàng từ 8h đến 22h. Ngày 27, 28, 29 Tết bán hàng từ 7h đến 24h. Riêng ngày 30 Tết bán hàng từ 7h đến 12h trưa. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết các siêu thị khai trương trở lại, bán hàng trong buổi sáng từ 8h đến12h. Từ mùng 6 trở đi thì hoạt động trở lại như bình thường.
Sài Gòn Food là một trong những doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào thị trường dịp tết, đơn vị này cho biết đã chuẩn bị hơn 1.500 tấn thành phẩm cho mùa Tết Kỷ Hợi, cao hơn 40% so với Tết Mậu Tuất, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Trong kế hoạch hỗ trợ các sản phẩm dịp Tết, doanh nghiệp đang tích cực phối hợp cùng các hệ thống siêu thị lắp đặt kệ trưng bày, khuyến mãi giảm giá, tăng cường đội ngũ nhân viên giới thiệu hàng hóa tại điểm bán... nhằm hưởng ứng chương trình "bình ổn giá thị trường" và cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Công ty Vissan thì cho biết, năm nay sẽ sản xuất 3.000 tấn thực phẩm Tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Phan Văn Dũng – Phó Tổng Giám đốc Vissan, song song với việc nâng cấp thiết kế bao bì và phát triển sản phẩm mới, ngay từ giữa năm 2018, Công ty đã chuẩn bị nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa cho Tết 2019.
Doanh nghiệp này dự kiến đưa ra thị trường 3.200 tấn thực phẩm tươi sống và 2.800 tấn thực phẩm chế biến. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ cho đợt Tết năm nay là 800 tỷ đồng. Công ty đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết với nguồn hàng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả ổn định.
Trần Hà