Chỉ số tâm lý kinh tế (ESI) hay còn gọi là niềm tin của doanh nghiệp ở khu vực Eurozone giảm sâu hơn trong tháng 12/2024. Cụ thể, Ủy ban Châu Âu (EC) ngày 8/1 cho biết: Chỉ số tâm lý kinh tế (ESI) do cơ quan này thực hiện giảm còn 93,7 điểm trong tháng 12, từ mức 95,6 điểm trong tháng 11, tiếp tục xuống sâu hơn dưới mức trung bình dài hạn.

Ảnh minh họa, nguồn internet.
Chỉ số tâm lý kinh tế của doanh nghiệp Châu Âu đối với Eurozone giảm sút nghiêm trọng. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Trong một cuộc khảo sát trước đó của tờ báo Wall Street Journal, các nhà kinh tế học dự báo chỉ số đi ngang ở mức 95,6 điểm.

Niềm tin của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp suy giảm đặc biệt nặng nề trong tháng 12/2024, do sự suy yếu nhanh chóng trong kỳ vọng vè sản lượng, số lượng đơn hàng và lượng hàng tồn trữ.

Lĩnh vực sản xuất của Châu Âu đã trải qua sự suy giảm trong năm 2024, chủ yếu do mức sản lượng thấp kỷ lục ở Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực.

Báo cáo của cơ quan thống kê Đức Destatis vào ngày 8/1 thể hiện, số đơn hàng mới mà các nhà máy ở Đức nhận được trong tháng 11 giảm 5,4% so với tháng 10, thay vì đi ngang như dự báo trước đó và sau khi giảm 1,5% trong tháng 10. Khu vực sản xuất với quy mô khổng lồ của Đức đã chìm trong suy thoái suốt hơn 1 năm qua do giá năng lượng cao hơn so với trước đây, nhu cầu suy giảm của khu vực Châu Á, và sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa có giá rẻ hơn từ các quốc gia khác.

“Hiện tại chưa có dấu hiệu phục hồi nào trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Đức. Dự báo lạc quan nhất là lĩnh vực này sắp chạm đáy”, nhà kinh tế Carsten Brzeski của ngân hàng ING đánh giá.

Ảnh minh họa của Reuters.
Chỉ số tâm lý kinh tế của doanh nghiệp Châu Âu đối với Eurozone giảm sút nghiêm trọng. Ảnh minh họa của Reuters.

Chỉ số ESI giảm mạnh nhất ở Pháp và Đức, nơi biến động chính trị gần đây - gồm việc Thủ tướng Pháp từ chức và Đức phải tổ chức bầu cử sớm.

Niềm tin trong các lĩnh vực xây dựng và tiêu dùng của Châu Âu cũng suy yếu trong tháng 12/2024, theo EC. Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho thấy kỳ vọng của người tiêu dùng về lạm phát ở khu vực đồng Euro tăng lên mức cao nhất kể từ mùa hè.

Duy nhất chỉ có ngành dịch vụ - lĩnh vực đã giữ vai trò trụ cột cho kinh tế Eurozone trong năm 2024 giữa lúc các lĩnh vực khác tụt dốc - cho thấy sự cải thiện khiêm tốn về niềm tin, theo dữ liệu của EC.

Nền kinh tế Eurozone đã bắt đầu suy yếu kể từ cú sốc năng lượng xảy ra khi giá khí đốt tăng vọt do xung đột quân sự Nga-Ukraine. “Chỉ số niềm tin kinh tế ảm đạm vừa được công bố phản ánh rủi ro suy giảm tăng trưởng GDP rõ rệt ở Eurozone trong quý I/2025. Nền kinh tế Eurozone hầu như không có một điểm sáng nào”, nhà kinh tế Leo Barincou của công ty Oxford Economics nhận định.

Các nhà kinh tế hy vọng, tiêu dùng cá nhân sẽ khởi sắc và đưa nền kinh tế Eurozone phục hồi, song, một nghiên cứu của ECB cho thấy, các hộ gia đình ở Eurozone sẽ tiếp tục tiết kiệm một phần lớn thu nhập của họ để xây dựng lại tài sản bị mất do lạm phát cao, và điều này có thể phá vỡ những hy vọng về tăng tiêu dùng.

Chỉ số tâm lý kinh tế của doanh nghiệp Châu Âu đối với Eurozone giảm sút nghiêm trọng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh báo dangcongsan.vn.
Chỉ số tâm lý kinh tế của doanh nghiệp Châu Âu đối với Eurozone giảm sút nghiêm trọng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh báo dangcongsan.vn.

Các nhà kinh tế lập luận, xu hướng tiết kiệm này thậm chí có thể mạnh lên do thị trường việc làm ở Eurozone có dấu hiệu yếu đi, do bắt đầu chịu ảnh hưởng từ tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp giảm và nhu cầu ảm đạm đối với hàng hóa và dịch vụ.

Đồng Euro tiếp tục giảm giá làm cho niềm tin của doanh nghiệp Châu Âu càng giảm. Cụ thể, ngày giao dịch đầu tiên của năm 2025, chứng kiến đồng Euro tiếp tục giảm giá, xuống dưới mức 1 Euro đổi được 1,03 USD – thấp nhất trong hơn hai năm. Điều này phản ánh sự chênh lệch ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Ngân hàng Trung ương - Fed) và ECB. Một số chuyên gia dự báo đồng Euro có thể đạt mức ngang giá với USD vào cuối năm 2025. 

ECB đã hạ lãi suất 4 lần trong năm qua để đối phó với lạm phát giảm và tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh, cần áp dụng cách tiếp cận "dựa trên dữ liệu" và thận trọng khi điều chỉnh chính sách. Mặc dù có lời kêu gọi hạ lãi suất thêm 1 điểm phần trăm trong năm 2025, ECB có thể sẽ giữ lãi suất ở mức trung lập - không thúc đẩy cũng không kìm hãm tăng trưởng. 

PV (t/h)