Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (Ảnh: VGP)Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (Ảnh: VGP)

Mở đầu phiên thảo luận chiều 5/11, đại biểu Dương Văn Thống (tỉnh Yên Bái) đồng tình với dự báo tình hình năm 2021 của Chính phủ trước bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới kinh tế đầu tư, thương mại toàn cầu. Đại biểu bày tỏ: Tăng trưởng kinh tế có thể chậm hơn nhưng bền vững, hiệu quả, hài hòa, làm cho dân hài lòng, hạnh phúc.

Đại biểu Dương Văn Thống cũng cho rằng, chi ngân sách thường xuyên có giảm nhưng vẫn còn rất cao, còn thấy lãng phí, có thể cắt giảm để dồn cho chi đầu tư phát triển. Chính phủ cần rà soát, cắt giảm mạnh hơn nữa chi thường xuyên. Một số chính sách quy định kiểu đặc thù với một số ngành phải được rà soát lại, kiên quyết xóa bỏ những bất hợp lý, không nể nang.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho rằng, chúng ta đã kiểm soát tốt lạm phát, tạo được cân đối lớn cho nền kinh tế, dự trữ ngoại hối tăng và cải thiện tốt từ đó đảm bảo sự ổn định tiền tệ. Tạo dư địa tốt cho nợ công để có cơ sở tăng đầu tư và tạo điều kiện tăng trưởng bền vững hơn.

Về thu ngân sách năm 2020, dự kiến thu 1.512 nghìn tỷ, nhưng năm nay khả năng chỉ thu được hơn 1.323,1 nghìn tỷ, thất thu khoảng 189 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách tăng thêm trên 84 nghìn tỷ đồng. Trong thời gian tới, khi xây dựng kế hoạch 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025, cần thận trọng với biến COVID này.

Theo đại biểu Ngân, Chính phủ nên xây dựng nhiều kịch bản, kịch bản tốt nhất là COVID-19 được kiểm soát, vắc xin điều trị có hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế thế giới phục hồi. Nếu điều này xảy ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt trên 6% là khả thi.

Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục bùng phát, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ có thể đạt cao nhất 4-5%. Để kiểm soát dịch bệnh tốt, đại biểu cho rằng, cần đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế công cộng và y tế dự phòng, đặc biệt là các trung tâm kiểm soát dịch bệnh.

Ngoài ra, ngành y tế cần có sự liên kết với các trung tâm kiểm soát bệnh tật quốc tế để học hỏi, trao đổi thông tin. Bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, biến đổi khí hậu khắc nghiệt cũng là bài toán cần lưu tâm vì năm nào nước ta cũng hứng chịu hậu quả của lũ lụt, thiên tai.

Phát biểu giải trình về tài chính ngân sách, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo làm rõ 4 nhóm vấn đề: Dự toán NSNN năm 2020; đánh giá tài chính ngân sách 5 năm 2016-2020; dự toán NSNN năm 2021 và kế hoạch tài chính ngân sách 2020-2025. Theo tư lệnh ngành tài chính, dự toán thu NSNN năm 2020 được xây dựng trên tinh thần quyết tâm cao, hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu KT-XH.

Dự toán được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,8%, lạm phát dưới 4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 9%.

Nhưng bước vào năm 2020, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư thương mại và tài chính toàn cầu. Trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu rộng, ảnh hưởng của đại dịch là rất lớn đến tất cả ngành, lĩnh vực, triển khai kế hoạch phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, thiên tai ngay từ đầu năm như mưa đá, lũ quét, lũ ống và mưa lũ ở miền Trung đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu kép, Chính phủ đã trình Quốc hội và ban hành hàng loạt chính sách tài khóa.

Các chính sách này đã góp phần giảm, giãn khoảng 100.000 tỷ đồng nghĩa vụ nộp NSNN, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về dòng tiền, tăng tỷ lệ vốn cho doanh nghiệp.

Song, cũng từ chính sách đó, số thu ngân sách 10 tháng đầu năm phản ánh khá rõ khó khăn của doanh nghiệp và tác động của các chính sách miễn, giảm thuế, phí. Thu ngân sách 10 tháng đầu năm đạt 75,2% dự toán - giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Một số địa phương có số thu lớn điều tiết về ngân sách Trung ương nhưng tỷ lệ 10 tháng đầu năm rất thấp như Hà Nội 70,1%, TP. HCM 64,8%, Vĩnh Phúc 60,8%, Đà Nẵng 56,4%... Bên cạnh các giải pháp miễn, giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu và chống chuyển giá.

 Trần Nguyên (ghi)