Theo quyết định phê duyệt, dự án này có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 100% vốn đầu tư. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2023 và được cấp phép thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày 9/7. Quy mô của hãng hàng không này đến năm 2023 là 10 máy bay A320/A321 hoặc B737.
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết (trái) và Phó Chủ tịch Airbus phụ trách thương mại Eric Schulz (phải) ký kết hợp đồng thoả thuận mua 24 máy bay A321NEO cho Bamboo Airways, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy vào tháng 3/2018 tại Pháp
Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Tập đoàn FLC và Bamboo Airways đã liên tiếp ký hai thỏa thuận mua 24 chiếc máy bay A321NEO từ Airbus và 20 máy bay Boeing B787-9 Dreamliner từ Boeing, bên cạnh việc thuê máy bay. Tại cuộc họp đại hội cổ đông hồi tháng 6, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC tiết lộ, Bamboo Airways dự kiến có chuyến bay đầu tiên vào cuối năm nay.
Với dự án này, FLC đặt mục tiêu đưa Bamboo Airways trở thành một trong những hãng bay hàng đầu Việt Nam. Ông Đặng Tất Thắng - Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, Bamboo Airways được định vị là hãng hàng không “hybrid”. Đây là loại hình lai ghép giữa hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ, nhằm hướng tới một dịch vụ đáp ứng được nhiều loại nhu cầu khác nhau của mọi phân khúc hành khách.
Ngoài cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một hãng hàng không truyền thống với giá hợp lý, Bamboo Airways xác định một hướng khai thác khác biệt so với các hãng hàng không truyền thống của Việt Nam bằng việc cung cấp dịch vụ chất lượng 5 sao trên tất cả các chuyến bay. Hãng cũng sẽ mở các đường bay thẳng tới Mỹ và Châu Âu trong thời gian sớm nhất.
Phương Thảo