Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV chỉ rõ, 14/15 chỉ tiêu đã được thực hiện và vượt chỉ tiêu đề ra. Nền kinh tế đang dần ổn định, lạm phát được kiểm soát khá tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế cũng được bảo đảm.
Nhờ những chính sách linh hoạt, đổi mới kịp thời của Chính phủ mà sau 09 tháng, đã có hơn 163.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường bởi dịch bệnh Covid-19.
Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn là một trong những trường hợp tiêu biểu trên khi đơn hàng xuất khẩu đã được lấp đầy, các vị khách chính đều đến từ thị trường Châu Âu và Mỹ.
"Không thể nào một mình để hồi phục được nếu không có chính sách của Chính phủ. Những hỗ trợ mang tính tác động đến người lao động, tác động đến những thủ tục để sau khi qua dịch mình bứt phá lại nhanh thì nó tác động rất nhanh. Trong đó, gói đang có tác động nhất đến hoạt động tài chính đó là được giãn bảo hiểm xã hội và thuế, cái đấy nó giãn được mấy tháng rất là đỡ vì doanh nghiệp hồi phục đang cần rất nhiều vốn để tồn kho, mua nguyên vật liệu", ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn bày tỏ.
Theo ông, ngoài việc nắm bắt cơ hội, sự trợ lực của Chính phủ là yếu tố chính, tác động tích cực đến sự “hồi sinh” của doanh nghiệp. Nhờ những gói hỗ trợ lãi suất, gia hạn thuế, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động,… đã giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, phát triển doanh nghiệp trong những tháng cao điểm cuối năm.
Không chỉ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp được đi vào quỹ đạo mà doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố cũng tăng mạnh với hơn 21% so với cùng kỳ, trong đó ngành lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn.
"Các chính sách đồng bộ hỗ trợ từ người công nhân, chủ doanh nghiệp cho đến các đơn vị... Tôi cho rằng tất cả các yếu tố đó tạo nên thành công của thị trường sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Bàn về vấn đề doanh nghiệp tham gia bình ổn theo phát động của tỉnh thành, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết đã được TP. HCM hỗ trợ hết sức nhiệt tình từ công tác truyền thông đến công tác triển khai các dự án đầu tư, thuê mặt bằng và một số chính sách liên quan đến vấn đề lưu thông vận tải.
Theo thống kê, kinh tế TP. HCM trong 09 tháng qua đã hồi phục nhanh chóng và có xu hướng tăng khi GRDP của thành phố vượt 9,71% so với cùng kỳ năm trước. Chính quyền của thành phố cũng nhận định, đà tăng trưởng của các doanh nghiệp trên địa bàn có xu hướng tốt lên. Khảo sát của Cục Thống kê Thành phố chỉ rõ, hiện có khoảng 80 - 90% doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài Nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài đều đặt kỳ vọng lớn vào tình hình sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2022.
Hồng Nhung (t/h)