THCL Với việc tái gia tăng năm 2016, năm 2017 ghi nhận khả năng thuốc lá lậu tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm đẩy lùi vấn nạn này.
Vướng từ chính sách đến thực thi
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, năm 2016, công tác chống buôn lậu có dấu hiệu chùng xuống, thể hiện qua các số liệu của năm 2016 so với 2015: Số đối tượng bị bắt giữ, xử lý hình sự giảm 53,5%; số vụ bắt giữ xử lý hình sự giảm 58,9%; lượng thuốc lá bị bắt giữ và tiêu hủy cũng giảm hơn 30% (6,81 triệu bao so hơn 10 triệu bao năm 2015).
Nguyên do thuế tiêu thụ đặc biệt và tỷ lệ trích Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá tăng dẫn đến kinh doanh thuốc lá lậu tăng lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với kinh doanh thuốc lá sản xuất trong nước.
Thêm vào đó, sự thiếu nhất quán trong các văn bản pháp quy liên quan đến việc xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá như các quy định tại Bộ luật hình sự 2015, Nghị định 124/2015/NĐ-TTg, Công văn số 06/TANDTC-PC của TANDTC, Luật Thương mại, Luật Đầu tư… gây khó khăn và ách tắc việc xét xử tội danh buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, làm mất dần đi công cụ răn đe có tính mạnh mẽ nhất của pháp luật; đồng thời giảm đi sự quyết liệt trong công tác chống thuốc lá lậu của các lực lượng chức năng vì bắt giữ mà không xử lý được.
Thuốc lá nhập lậu giá rẻ không in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, hàm lượng tar, nicotin cao vượt quy định đã thu hút một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Nhãn hiệu Jet và Hero chiếm tỷ lệ trên 70% thuốc lá nhập lậu.
Đặc biệt, sự thiếu quyết liệt của một số địa phương, lực lượng chức năng trong việc đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá - cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu thuốc lá tái gia tăng năm 2016.
Điều đáng nói, còn tồn tại nhiều bất cập trong xử lý thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.
Cụ thể, ngày 19/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/NĐ-CP quy định hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu từ 500 bao trở lên, sẽ bị xử lý hình sự. Nghị định có hiệu lực từ ngày 5/1/2016.
Tuy nhiên, ngày 26/1/2016, TANDTC ban hành Công văn số 06/TANDTC-PC v/v truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu, trong đó có nêu: Thuốc lá điếu nhập lậu thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh theo Nghị định số 43/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 59/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại 2005; Luật Đầu tư 2014 quy định sản phẩm thuốc lá thuộc Danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện; có quan điểm khác nhau về việc áp dụng các văn bản nêu trên để xác định hàng cấm đối với thuốc lá điếu nhập lậu và xem xét trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu.
TANDTC sẽ phối hợp với cơ quan hữu quan để giải thích, làm rõ quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Trước mắt, chỉ xem xét xử lý hình sự nếu đáp ứng các yếu tố cấu thành tội buôn lậu và vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới.
Hướng dẫn trên, đã làm giảm gần như toàn bộ việc xử lý hình sự đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên toàn quốc. Việc xét xử theo tội buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới rất ít khi thực hiện được trên thực tế, do đường biên giới Việt Nam tiếp giáp với các nước láng giềng là Campuchia, Lào, Trung quốc rất dài, rất khó có bằng chứng chứng minh đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển “qua biên giới”.
Do việc xử lý hình sự không thực hiện được, tính răn đe đối với các đối tượng buôn lậu giảm, tình trạng buôn lậu đã tăng mạnh trong năm 2016.
Quyết liệt đấu tranh đẩy lùi vấn nạn
Nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vừa đưa ra 7 kiến nghị.
Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo BCĐ 389/QG, BCĐ 389 các địa phương, các lực lượng chức năng Trung ương, địa phương triển khai quyết liệt Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ; phối hợp đề ra chương trình hành động tại các vùng trọng điểm buôn lậu thuốc lá. Bộ Công thương chỉ đạo Cục QLTT và các chi cục QLTT địa phương kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu, đặc biệt là việc bày, bán thuốc lá lậu tại các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn.
Thứ hai, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, cho phép chuyển việc quản lý Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá về Bộ Tài chính để phù hợp với chức năng quản lý chuyên môn và trích 50% Quỹ cho công tác đấu tranh phòng chống thuốc lá nhập lậu, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp thi hành công tác chống buôn lậu thuốc lá.
Thứ ba, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13, không áp dụng giá trị hàng phạm pháp tối thiểu làm căn cứ để định tội và định khung đối với các tội danh liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu mà xử lý hình sự đối với các hành vi kể trên dựa trên cơ sở số lượng từ 500 bao trở lên, thống nhất với quy định tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể: Đối với Khoản 1 Điều 190 (tội sản xuất buôn bán hàng cấm), cần quy định xử lý hình sự đối với trường hợp: b) Hàng cấm, hàng phạm pháp là thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 - 3.000 bao; hoặc từ 500 - 1.500 bao, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, hoặc tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm quy định tại Điều 191 của bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Đối với Khoản 1 Điều 191 (tội tàng trữ; vận chuyển hàng cấm), cần quy định xử lý hình sự đối với trường hợp: b) Hàng cấm, hàng phạm pháp là thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 - 3.000 bao; hoặc từ 500 - 1.500 bao, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, hoặc tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm quy định tại Điều 191 của bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Thứ tư, kiến nghị Bộ Tài chính không thu tiền tem thuế thuốc lá bao của doanh nghiệp vì bản chất của việc dán tem là để phục vụ việc quản lý thuế của Nhà nước.
Thứ 5, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu nhằm chống tái thẩm lậu theo Quyết định 2371/QĐ-TTg ngày 26/12/2014, đưa quy định tiêu hủy thuốc lá vào nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2013/NĐ-CP.
Thứ sáu, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét tăng biên chế và công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an, biên phòng, hải quan và quản lý thị trường; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu thuốc lá.
Thứ bảy, kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng lò tiêu hủy thuốc lá lậu tập trung (do Hiệp hội xây dựng phương án) nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Hà Thu