Lễ hội chợ Viềng Phủ Dầy (huyện Vụ Bản) thu hút đông đảo quan khách thập phương
Chợ Viềng Nam Định đã sẵn sàng đón khách
Ở Nam Định có 4 chợ cùng tên là Viềng: Chợ Viềng Phủ Dầy (huyện Vụ Bản), chợ Viềng Nam Giang (huyện Nam Trực), chợ Viềng Nghĩa Thịnh (huyện Nghĩa Hưng), chợ Viềng Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc). Nhưng, nổi tiếng và thu hút nhiều du khách hơn cả là chợ Viềng Phủ Dầy ( huyện Vụ Bản).
Ban tổ chức lễ hội chợ Viềng Phủ Dầy cho biết, dự kiến năm nay, lượng du khách đến chợ khoảng 40.000 – 50.000 lượt người. Để đảm bảo trật tự an toàn, Công an tỉnh Nam Định đã huy động tối đa lực lượng, tăng cường 300 cán bộ, phối hợp với công an huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Hà Nam, Ninh Bình và các lực lượng chức năng khác cùng tham gia, phân công nhiệm vụ, chịu trách nhiệm tại từng khu vực cụ thể khi chợ Viềng diễn ra, không để xảy ra tình trạng tắc đường hay lộn xộn.
Được biết, lễ hội chợ Viềng nằm trong thôn Trung Thành, bao xung quanh là cả một quần thể di tích, đình chùa, đền phủ, lăng tẩm đẹp như: Lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân, chùa Cao, phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, đình ông Khổng…
Đây là một lễ hội truyền thống có quy mô lớn. Sau nhiều năm được Nhà nước cho phép mở hội trở lại, chương trình Lễ hội đã được xây dựng, bổ sung, ngày càng phong phú và hài hoà giữa phần lễ và phần hội, khai thác và phát huy được nhiều giá trị văn hoá dân gian cổ truyền. Lễ hội Phủ Dầy đã được Bộ VHTT công nhận là một trong năm lễ hội truyền thống lớn của đất nước theo Quyết định số 39/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Năm 2012 - 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào danh mục công nhận hai Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia đó là “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy”. Ngày 01 tháng 12 năm 2016 Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Hội nghị lần thứ 11 tổ chức ở Thủ đô Addis Ababa, Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia.
Đi chợ Viềng “mua may bán rủi”
Chợ Viềng là phiên chợ đặc biệt, mỗi năm chỉ diễn ra một lần, vào đêm mùng 7, ngày mùng 8 tháng Giêng. Theo quan niệm, đi chợ Viềng là để “mua may bán rủi”, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Cả người bán và người mua đều không nói thách, mặc cả. Cái sự mua bán ở đây mang màu sắc tâm linh – người ta chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó, dù nhỏ, cũng đều gặp may mắn, tốt lành…
Đi chợ Viềng, người nông dân thì mua cái liềm, lưỡi cuốc mong mùa màng bội thu, con lợn, con gà hay cây cảnh, cây ăn quả. Khách phương xa có thể dạo thăm khu vực bán cây cảnh, đồng xu may mắn, cây cành vàng lá ngọc cầu may…
Ngoài việc người bản địa và khách thập phương về đây không chỉ đi dự hội chợ Viềng mà còn đi lễ chùa, đền phủ bà Chúa, cầu may cầu lộc đầu xuân.
Nguyễn Tuệ - Lê Quyên