THCL Kết thúc thanh tra 29 vụ việc sau 3 năm triển khai thí điểm công tác thanh tra chống chuyển giá, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã ra quyết định giảm lỗ bình quân 300 tỷ đồng/vụ và truy thu 20 tỷ đồng tiền thuế/vụ…
Kiểm tra chống chuyển giá tại 2.866 DN
Sau thời gian dài thua lỗ và bị đặt vào diện điều tra chuyển giá, mới đây, Coca Cola VN đã chấp nhận đóng hơn 20 triệu USD tiền thuế các loại trong năm 2014.
Trong một tài liệu gửi UBND TP. HCM, Coca Cola VN cho biết, lợi nhuận tính thuế năm 2014 của DN này đạt 16,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với mức 7 triệu USD của năm 2013; sản lượng tiêu thụ tăng 25%. Như vậy, sau nhiều năm liền liên tiếp kêu lỗ, đây là lần đầu tiên Coca Cola VN công bố kinh doanh có lãi. Động thái này cũng được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đang điều tra về “nghi án" chuyển giá của một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có Coca Cola.
Theo nhận định của Tổng cục Thuế, Đồng Nai là một trong những địa phương khá tích cực trong công tác đấu tranh chống chuyển giá. Năm 2013, ngành thuế Đồng Nai đã phát hiện nhiều trường hợp DN FDI có dấu hiệu chuyển giá. Điển hình là Công ty Dệt may Hualon ở Nhơn Trạch (Đồng Nai). Kết thúc thanh tra tại DN này, cơ quan thuế đã ra quyết định giảm lỗ hơn 100 tỷ đồng và truy thu thuế 78 tỷ đồng...
Năm 2014, ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá tại 2.866 DN khai báo kinh doanh thua lỗ, DN nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết (tăng 80% so với năm 2013). Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, lực lượng thanh tra giá chuyển nhượng sẽ được thành lập ở cơ quan Tổng cục và 4 địa phương có nhiều rủi ro liên quan đến giá chuyển nhượng (Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai).
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, nghi án chuyển giá của một số DN lớn như Coca Cola, Metro… vẫn chỉ dừng ở mức đang điều tra và chưa có kết quả cuối cùng, bởi việc điều tra các DN FDI chuyển giá rất khó khăn và phức tạp.
Chống chuyển giá, phải làm tận gốc
Nhìn lại vụ chuyển giá Coca Cola có thể nhận thấy, DN này chính thức vào Việt Nam từ tháng 2/1994 và nhanh chóng trở thành “người khổng lồ" trong lĩnh vực giải khát. Mặc dù doanh thu hàng năm tăng trưởng bình quân 24%, nhưng tính đến năm 2011, Coca Cola đã lỗ lũy kế tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu. Điều này đồng nghĩa, DN này không phải nộp 1 đồng thuế thu nhập DN nào cho Việt Nam mặc dù đã làm ăn phát đạt trong suốt 20 năm qua.
Theo thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cách để Coca Cola liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh, bán hàng tốt nhưng vẫn có thể báo lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu. Đây chủ yếu là những hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Hương liệu này thuộc diện độc quyền của DN nên không có chủng loại tương đương để so sánh với DN cùng ngành nghề. Cũng không thể lấy chi phí nguyên phụ liệu của DN Việt Nam cùng ngành nghề để so sánh vì nước các DN này nhập khẩu nguyên, vật liệu nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam…
Ngoài những nguyên nhân khách quan khiến hoạt động chuyển giá, trốn thuế ngày càng diễn biến phức tạp, giới chuyên gia tài chính cho rằng, chính sách quản lý thuế của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết từ gốc. Hiện có quá nhiều chi phí ngoài thuế, thuế có thể thấp nhưng các chi phí ngoài này rất khó để bóc tách.
Theo kết quả khảo sát của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 32% DN cho biết họ phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế; 40% DN cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả "phí" này… Đây là một trong những lý do khiến DN phải chuyển giá ra ngoài.
Thực tế gần đây cho thấy, có nhiều DN Việt Nam đã thành lập và đóng trụ sở tại Singapore. Ngoài chiến lược kinh doanh của DN, thuế có thể là một nguyên nhân khiến những DN này không đóng trụ sở ở Việt Nam. Vì thế, bên cạnh việc đẩy mạnh thanh tra, chúng ta phải có chính sách cứng rắn và hợp lý nhằm khuyến khích DN thực hiện tốt nghĩa vụ với NSNN, đồng thời không thể trốn thuế, lách thuế.
Cao Huyền (Thương hiệu & Công luận)