Dư Luận bức xúc

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và thu nhập còn thấp của người dân, các đối tượng đưa hàng giả, hàng kém chất lượng về các địa bàn nông thôn, miền núi để tiêu thụ trên các phương tiện bán hàng lưu động với thủ đoạn thường xuyên thay đổi loại hình phương tiện, cất giấu hàng hóa tinh vi, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng.

Chống hàng giả: Cuộc chiến cam go - Hình 1

Các lực lượng, chức năng tỉnh Nghệ An kiểm tra xử lý vi phạm hàng giả, hàng nhái

Theo báo cáo của CCQLTT Nghệ An, trong năm 2017, đơn vị này đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh hàng ngoại nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường. Kết quả đã kiểm tra 8.643 vụ; xử lý 7.156 vụ, tổng giá trị thu phạt hơn 12,2 tỷ đồng.

Tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng giả chủ yếu là mỳ chính, bột giặt, dầu gội đầu, nước mắm, muối Iốt, dầu nhờn, một số loại bánh kẹo chất lượng thấp,… Đặc biệt, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng một số mặt hàng như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y) đang trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người tiêu dùng và môi trường sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo dự báo của BCĐ 389 Nghệ An thì tình hình buôn lậu, hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng cấm và gian lận thương mại ở Nghệ An sẻ diễn biến ngày càng phức tạp.

Thượng tá Nguyễn Cảnh Toàn, Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế (Công an tỉnh Nghệ An) cho biết: Công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, vi phạm sỡ hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp tích cực từ các nhà sản xuất, doanh nghiệp như cung cấp thông tin, nhận biết hàng giả, hàng thật, cung cấp các mẫu hàng thật để làm mẫu so sánh…

Cần sự phối hợp

Công tác chống hàng giả không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội. Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm song song với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Chống hàng giả: Cuộc chiến cam go - Hình 2

Tiêu hủy hàng giả, hàng nhái

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu. Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh”, tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vì quyền lợi của bản thân và xã hội. Như vậy để chống hàng giả, hàng nhái, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc, thể hiện trách nhiệm đối với xã hội và cũng là cách doanh nghiệp tự bảo vệ thương hiệu.

Ông Trần Đăng Ninh, Phó ban chỉ đạo 389 Nghệ An cho rằng: Khó khăn nhất trong quá trình chống hàng giả hiện nay là khâu giám định. Để khẳng định hàng giả, cần phải tiến hành giám định, nhưng trên thực tế rất nhiều vụ vi phạm khi phát hiện lại không thể giám định được vì hàng hóa có nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại Việt Nam, hàng hóa không có ai xác nhận là hàng giả vì không có cơ quan đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó người tiêu dùng chưa có thói quen cung cấp các thông tin, các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả cho các cơ quan chức năng, vì vậy, để cuộc đấu tranh này có hiệu quả thì bên cạnh việc nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi thì việc phối hợp hỗ trợ cung cấp thông tin của người dân, người tiêu dùng là hết sức cần thiết. 

Để bảo đảm cho một thị trường lành mạnh, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc phối hợp của doanh nghiệp trong cuộc chiến này, rất cần sự hợp tác của người dân. Đó là việc hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc tố giác những hành vi vi phạm trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng dễ bị làm giả, làm nhái, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Mạnh Hùng