Thương hiệu và Công luận trân trọng trích lược một số ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự sự kiện.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia
Từ năm 2007, Chính phủ đã đồng ý chọn ngày 29/11 hằng năm làm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái”, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, của doanh nghiệp đối với công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, quy mô sản xuất ngày càng lớn, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt… Do đó, nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phương thức hoạt động luôn thay đổi, đòi hỏi công tác chống hàng giả của các lực lượng chức năng phải quyết liệt, đồng bộ và có nhiều giải pháp hữu hiệu hơn, phù hợp với thực tiễn.
Chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Mặc dù có rất nhiều cố gắng nhưng công tác chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ hiện vẫn đang là thách thức mà các ban, ngành liên quan cũng như doanh nghiệp phải chung tay để đấu tranh, xử lý những hành vi vi phạm.
Ngày “Phòng chống hàng giả, hàng nhái” ra đời chính là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ nhằm hỗ trợ, khích lệ các doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu thông qua các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đảm bảo uy tín, chất lượng, nói không với hàng giả, hàng nhái.
Đây cũng là cơ hội để tôn vinh, quảng bá thương hiệu - để các doanh nghiệp, doanh nhân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chống vấn nạn hàng giả và để người tiêu dùng biết và lựa chọn những thương hiệu, sản phẩm chính hãng, đúng nguồn gốc xuất xứ; đảm bảo chất lượng.
Tôi đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của Hiệp hội VATAP trong thời gian qua đã định kỳ có những hoạt động, chương trình, sự kiện nhân dịp những ngày kỷ niệm rất ý nghĩa như: “Ngày thương hiệu Việt Nam - 20/04”; “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái - 29/11”.
Về phía các doanh nghiệp cần quyết tâm hơn nữa trong hoạt động chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu; bởi đây là giá trị, uy tín, quyền lợi sát sườn của doanh nghiệp trong việc khẳng định vị trí của thương hiệu mình trên thị trường trong nước cũng như quốc tế; đặc biệt trong sự tin cậy của người tiêu dùng đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình.
Đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan thực thi, nhất là trong công tác giám sát thị trường, quản lý tốt hệ thống phân phối, thu thập, cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ quan thực thi trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm.
Để bảo vệ và phát triển thương hiệu của đơn vị mình, doanh nghiệp cần tích cực thực hiện tốt các quy định của pháp luật, đăng ký sở hữu trí tuệ bảo vệ tài sản của doanh nghiệp mình. Không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và toàn xã hội về công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; gương mẫu chấp hành tốt quy định của pháp luật.
Hiệp hội VATAP được đánh giá là cánh tay nối dài của các lực lượng thực thi trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng và bảo vệ thương hiệu cần phát huy tốt hơn nữa vai trò, chức năng của mình trong công tác tuyên truyền, thông quan các sự kiện, hoạt động có ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong công tác này.
Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội VATAP
Tình trạng hàng giả, hàng nhái đáng báo động hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế đất nước và sức khỏe của người tiêu dùng.
Đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả hiện nay ngày càng tinh vi hơn về cách thức làm giả để lừa người tiêu dùng. Hàng giả, hàng nhái không chỉ tập trung vào các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới mà ngày càng có nhiều hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng trong nước cũng bị làm giả.
Vấn đề hàng giả cũng làm giảm khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Điều này thể hiện rõ nhất với các lĩnh vực nhạy cảm về sở hữu trí tuệ, ví dụ như các ngành tập trung vào hoạt động nghiên cứu & phát triển, năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Với các lĩnh vực này, doanh nghiệp nước ngoài không còn muốn đầu tư vào Việt Nam do sợ bị trộm cắp bản quyền.
Công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu nói chung, chống hàng giả, hàng nhái nói riêng là một trong những thước đo quan trọng đánh giá trình độ phát triển, khả năng cạnh tranh của mỗi nền kinh tế. Vấn đề nâng cao hiệu quả chống hàng giả, hàng nhái, thực thi quyền sở hữu trí tuệ luôn là nội dung quan trọng mà các đối tác quốc tế đặt ra đối với Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do, đồng thời cũng là vấn đề được đề cập, nhấn mạnh nhất trong việc đánh giá chính sách đầu tư, thương mại.
Việc xây dựng thương hiệu uy tín, chất lượng để thu hút đầu tư không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp lớn, mà còn rất cần thiết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp non trẻ đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và động lực đổi mới sáng tạo.
Khi các chính sách, chế tài về chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ được triển khai hiệu quả sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo chất lượng hàng hóa, tăng cường lợi ích người tiêu dùng và tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Nó cũng giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu, phòng chống hàng giả, hàng nhái một cách hiệu quả.
Người tiêu dùng cũng là đối tượng được hưởng lợi từ việc chống hàng giả, xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp; bởi không chỉ sẽ có nhiều lựa chọn các sản phẩm chất lượng của doanh nghiệp mà còn được bảo vệ quyền của người tiêu dùng với các sản phẩm, dịch vụ có uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Các quy định pháp luật toàn diện, hiệu quả về thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả hàng nhái và hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu là điều kiện cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa cung cấp là hàng thật và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn liên quan.
Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc chống hàng giả, hàng nhái; bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Điều này được thể hiện rõ ràng, cụ thể thông qua hệ thống pháp luật và hệ thống các cơ quan thực thi.
Cụ thể, tại công văn số 6512/VPCP-V1, ngày 12/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lấy ngày 29/11 hàng năm làm ngày “Phòng chống hàng giả, hàng nhái”, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, làm rõ hơn tác hại của tệ nạn sản xuất hàng giả, hàng nhái đến sự phát triển kinh tế của đất nước.
Việt Nam cũng đã ban hành Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, tùy tính chất, mức độ, hành vi xâm phạm mà các đối tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự bởi các cơ quan có thẩm quyền như Tòa án, UBND cấp tỉnh và cấp huyện, các cơ quan Thanh tra chuyên ngành (quản lý thị trường, công an, hải quan và biên phòng).
Để đưa Luật Sở hữu trí tuệ đi vào thực tế, trong thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các cơ chế phối hợp liên Bộ, liên ngành như: Chương trình hành động về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Chương trình 168) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389).
Với chức năng, nhiệm vụ là hỗ trợ doanh nghiệp, hội viên Hiệp hội trong hoạt động chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu; nhân dịp kỷ niệm ngày “Phòng chống hàng giả, hàng nhái” – 29/11 hằng năm, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) đều tổ chức Lễ kỷ niệm trang trọng và ý nghĩa. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng cố gắng duy trì tổ chức các chương trình Hội thảo, các sự kiện định kỳ như chương trình tôn vinh danh hiệu “Thương hiệu Vàng – Logo, slogan ấn tượng”.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, doanh nhân tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; xây dựng thương hiệu của mình. Đồng thời, chương trình cũng là cầu nối những doanh nghiệp uy tín đến với khách hàng, đối tác và người tiêu dùng; là nhịp cầu kết nối, giới thiệu những doanh nghiệp, doanh nhân đã góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Với cơ cấu tổ chức gồm các đơn vị trực thuộc hoạt động mạnh mẽ, chuyên sâu trong các lĩnh vực truyền thông; chống hàng giả, hàng nhái và hỗ trợ xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp như: Tạp chí Thương hiệu và Công luận; Viện Phát triển thương hiệu và chống hàng giả; Viện Công nghệ chống làm giả; Trung tâm phát triển truyền thông và truyền hình; Trung tâm Tư vấn pháp luật chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu; Trung tâm Công nghệ chống giả, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng khắc phục những khó khăn, phát huy những thuận lợi, thành công đã đạt được để góp phần cùng các cơ quan chức năng, các lực lượng thực thi đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái; hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho các doanh nghiệp, các hội viên Hiệp hội trong xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu uy tín, chất lượng.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường
Vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề được Chính phủ, cơ quan chức năng quan tâm và có nhiều giải pháp đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm. Lực lượng Quản lý thị trường cũng nỗ lực hết sức chung tay đấu tranh, ngăn chặn, phòng chống vấn nạn này.
Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ở mọi mặt hàng, không dừng ở quy mô trong nước; dược phẩm, thuốc… cũng bị làm giả, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm nhưng con số đó vẫn là rất khiêm tốn, chưa phản ánh hết thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện nay.
Bởi vấn nạn có giảm được thì ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì phải nhắc tới quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp. Đó là sự chủ động, quyết liệt của doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu của mình.
Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu; xảy ra với mọi loại hàng hóa từ hàng tiêu dùng thông thường đến hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng quan trọng như: Thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng (làm đẹp cho phụ nữ), mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu...
Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ sản xuất trong nước chủ yếu là sản xuất thủ công, nhỏ lẻ hoặc lắp ráp linh kiện, đóng gói sản phẩm; hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Hàng giả gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp làm ăn chân chính, quyền lợi người tiêu dùng, uy tín của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và toàn xã hội.
Nguyên nhân của thực trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại phức tạp, tinh vi, đó là:
Thứ nhất, lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là rất lớn.
Thứ hai, ý thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn còn hiện tượng người tiêu dùng chưa nhận thức hết tác hại của việc mua, sử dụng hàng gủa, hàng nhái, do ham rẻ.
Thứ ba, hiện nay nền tảng thương mại điện tử phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ tư, sự vào cuộc của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng liên quan có lúc, có nơi chưa cao, chưa đồng bộ, xuyên suốt.
Thứ năm, hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, chồng chéo, dẫn đến việc khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng; chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm...
Nguyễn Kiên (Ghi)