Chống tham nhũng: Đánh mạnh, đánh trúng! - Hình 1

ĐBQH Dương Trung Quốc

Các ý kiến băn khoăn, chống tham nhũng ở địa phương chưa tốt. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Có lẽ, nhận xét phản ánh đúng sự thật. Nguyên nhân có nhiều, nhưng trong đó quan trọng nhất là sự giám sát của người dân. Trung ương có sự giám sát lớn, vai trò đầu tàu gương mẫu nhưng xuống địa phương thì sự giám sát hầu như không có. Với tư cách ĐBQH về địa phương, tôi thấy, càng cơ sở bao nhiêu càng yếu bấy nhiêu.

Nói tham nhũng tưởng gì lớn, nhưng ở cơ sở, bởi miếng đất nằm ở phường đó, xã đó, chứ đâu có ở trung ương? Năng lực giám sát ở các cơ sở là khâu yếu, chính vì vậy, sự việc xảy ra ở dưới, ở trên không nắm được. Tại sao chỉ báo chí phát hiện, phản ánh dư luận của người dân?

Chưa kể, chúng tôi hiểu quan hệ xã hội, tập quán, tính cách của người Việt vẫn chưa có được phẩm chất cần thiết của một xã hội dân chủ. Sự nể nang, phe cánh liên quan đến thói quen của xã hội nông nghiệp làng xã còn tồn tại. Và còn cả sự tranh thủ từng phiếu bầu. Chính vì vậy, cần phải có thay đổi, phát huy sự giám sát thì chống tham nhũng ở cơ sở mới hiệu quả.

Xung quanh vấn đề này, cũng cần phải nhìn về chủ thể là cán bộ, công chức ở địa phương?

Tôi cho là cơ chế. Quyền đi theo trách nhiệm, chúng ta đòi hỏi nhiều trách nhiệm của cá nhân, nhưng quyền của cá nhân có đâu, mà đang là lãnh đạo tập thể, lãnh đạo song trùng.

Các yếu tố phải cởi bỏ. Đôi khi cơ chế tạo ra tư duy thực dụng, ví như, tôi xử lý người này thì được cái gì, liên quan tới bầu cử thì lá phiếu quan trọng nên người ta dễ dàng thỏa hiệp.

Đó chưa kể tới lỗi hệ thống, tức là có thể tham nhũng ở cấp dưới nhưng để làm gì, để dâng hiến cho cấp trên, ai đảm bảo không có chuyện đó? Vì thế, tôi cho rằng phải xem xét một cách toàn diện. Điều quan trọng là làm cho người ta không thấy cần thiết phải tham nhũng. Nghĩa là, đối xử với cán bộ, công chức bằng lương như bây giờ, không tham nhũng vặt mới là lạ.

Theo ông, Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) có tác dụng thế nào trong việc hạn chế tham nhũng?

Tôi đã đưa ra hình ảnh, Đảng đã nhóm lò, nhân dân hết sức nhiệt tâm quạt lò, nhưng bỏ vào lò cái gì mới quan trọng. Chính những cơ quan thực thi pháp luật, phải nâng cao chất lượng để đánh trúng vào đối tượng, đưa ra pháp luật.

Nếu bỏ vào lò những cái không có giá trị thì quạt mấy cũng không lên, chỉ khói um thôi. Cho nên, ý chí của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã có, lòng dân ủng hộ, nhưng phải xem cơ quan chức năng bỏ vào lò cái gì, không chừng mượn lò để bỏ cái khác.

Quan trọng là thực thi pháp luật vào đời sống và tất cả đều là con người. Mấu chốt, cần xây dựng đội ngũ công chức thực thi một cách nghiêm túc, công bằng, luật pháp không thiếu nhưng tổng thể chúng ta thiếu.

Nguyên nhân của cái thiếu, không loại trừ khả năng người ta nhìn thấy nhưng làm chậm quá trình đó đi. Lấy ví dụ, còn thanh toán tiền mặt thì còn hối lộ. Tại sao chúng ta không làm được, trong khi Trung Quốc làm rất nhanh? Họ đưa công nghệ mới vào như câu chuyện Jack Ma đã nói. Họ thực sự tạo ra động lực hạn chế tham nhũng.

Chuyện phải làm sao cho khâu tuyển chọn, hoặc ngay vấn đề có mua quan bán chức không? Câu hỏi nảy sinh từ vụ án bà Châu Thị Thu Nga, cũng không được trả lời minh bạch ngay. Hay như hiện tượng các ông chuẩn bị về hưu ký một loạt văn bản thành lập tổ chức hoặc đề bạt cá nhân, thực chất là mua quan bán chức, ai cũng nhìn thấy, tại sao biết mà không làm, lại né tránh?...

Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Nguyên (ghi)