Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh: Quan hệ Việt Nam - EU đang phát triển mạnh mẽ, cơ hội hợp tác sâu rộng, toàn diện đang mở ra trước mắt, nhưng cũng còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả. Là Hiệp hội các doanh nghiệp lớn của Châu Âu, với nguồn vốn, công nghệ cao, kinh nghiệm hoạt động phong phú…, EuroCham có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam - EU, Việt Nam cần sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, tầm nhìn và phối hợp chặt chẽ của EuroCham để cùng nắm bắt cơ hội, mở rộng hợp tác mang lại lợi ích chung.

Ảnh internet.
Chủ tịch EuroCham: Việt Nam có vai trò quan trọng với EU. Ảnh internet.

Đại sứ đề nghị, EuroCham phối hợp với Việt Nam thúc đẩy một số vấn đề quan trọng. Về phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Theo Đại sứ, hiệp định được phê chuẩn sẽ mang lại lợi ích cho chính các nhà đầu tư Châu Âu đã và sẽ hoạt động tại Việt Nam; Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đại sứ đề nghị EuroCham có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, từ chính những doanh nghiệp đầu tư trên thực tế, để tiếp tục vận động một số quốc gia thành viên sớm phê chuẩn EVIPA. 

Về việc EU áp thẻ vàng đánh bắt thủy sản trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU) với Việt Nam, Đại sứ chia sẻ các quyết tâm của Việt Nam thực hiện khuyến nghị của EU và nhấn mạnh thẻ vàng không những tác động tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, ảnh hưởng tới quyền lợi của các doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng EU, mà còn tác động tới hình ảnh và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, qua đó gây bất lợi cho các doanh nghiệp Châu Âu. Các doanh nghiệp EU có tiếng nói không nhỏ trong vấn đề này, đề nghị cùng phối hợp với Việt Nam lên tiếng dưới nhiều hình thức để Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ thẻ.

Đại sứ cũng đề cập tới các chính sách mới của EU vừa qua như luật chống phá rừng (EUDR), tín chỉ carbone (CBAM), thẩm định chuỗi cung ứng…; cho biết các chính sách này sẽ tác động tới cả doanh nghiệp Việt Nam và EU, Việt Nam sẵn sàng chủ động hợp tác, mong EU duy trì đối thoại, thúc đẩy hỗ trợ kỹ thuật, tài chính , nâng cao năng lực… để Việt Nam có thể thích ứng và hội nhập với các chính sách mới của EU.

Chủ tịch, Ban lãnh đạo EuroCham cùng đại diện các doanh nghiệp đều rất chia sẻ và nhất trí với các đề xuất của Việt Nam; khẳng định Việt Nam có vai trò quan trọng với EU, các cơ quan liên quan của EU đều nhấn mạnh vị thế và tiềm năng hợp tác của Việt Nam trong trao đổi làm việc với EuroCham. EuroCham sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để nắm bắt cơ hội mới, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng sạch, dược phẩm, nông nghiệp hiện đại, tài chính xanh, logistics… 

Chủ tịch EuroCham: Việt Nam có vai trò quan trọng với EU. Ảnh internet.
Chủ tịch EuroCham: Việt Nam có vai trò quan trọng với EU. Ảnh internet.

Chủ tịch và Ban lãnh đạo EuroCham khẳng định: EuroCham sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ hơn tới các cơ quan chức năng EU và các nước thành viên. Chủ tịch EuroCham cũng chia sẻ việc phê chuẩn EVIPA, rút thẻ vàng IUU và thực hiện các chính sách mới sẽ giúp Việt Nam hội nhập và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bền vững, đồng thời mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp EU đã và sẽ hoạt động tại Việt Nam, do vậy các doanh nghiệp sẽ nỗ lực thúc đẩy. Bên cạnh đó EuroCham đề xuất Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp EU, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hấp dẫn, hiện đại, để tiếp tục thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao, trong đó có đầu tư từ EU. 

Để thúc đẩy đầu tư của Châu Âu vào Việt Nam, ông Gabor Fluit cho rằng: Việt Nam phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bởi vì chi phí vận chuyển vận tải trong nước vẫn còn rất cao. Thứ hai là các bước cải thiện luật pháp để bảo vệ các doanh nghiệp đầu tư, trong đó các doanh nghiệp của Việt Nam, các doanh nghiệp Châu Âu và các quốc gia khác. Thứ ba là Việt Nam phải thúc đẩy  xu hướng đầu tư xanh, kinh tế sạch. Việt Nam nên cải cách tư vấn Quy hoạch điện VIII nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, tái tạo. 

Ông Tibor Stelbaczky, Cố vấn cao cấp về ngoại giao năng lượng của Cơ quan đối ngoại EU (EEAS) khẳng định tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác. Ông chia sẻ các chính sách mới của EU đều có thời gian khởi động, do đó, Việt Nam có thể tích cực tham gia thích ứng, phía EU sẵn sàng đối thoại và hỗ trợ. Ông cũng hoan nghênh những tiến triển tích cực trong dự án thí điểm trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và mong muốn phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong vấn đề này.

Ngọc Thạch (t/h)