Ông Alain Cany khẳng định: "Việt Nam đã thực hiện rất tốt công việc xử lý các thách thức. Nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định mặc dù còn nhiều khó khăn. Động lực tạo nên mức tăng trưởng này chính là lực lượng 56 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ. Điều này giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sở hữu lực lượng lao động lớn nhất thế giới, xét cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ tương quan với dân số".

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với Việt Nam. Nước mặn xâm nhập và lũ lụt do mực nước biển dâng đang phá hủy tài sản và sinh kế của người dân. Vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi mực nước biển dâng cao tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng ven biển, khiến nền kinh tế và người dân bị tác động ngoài sức tưởng tượng.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào điện than, với nhu cầu sử dụng than sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2030. Điều này làm trầm trọng thêm các vấn đề ô nhiễm không khí và đi ngược lại các mục tiêu phát triển của đất nước.

Cơ sở hạ tầng lưới điện và truyền tải năng lượng của Việt Nam đã quá tải, vì vậy, nếu chỉ nhanh chóng bổ sung công suất tái tạo thì chi phí trả trước để giải quyết những vấn đề này sẽ rất lớn.

Quá trình chuyển đổi xanh đang được tiến hành tốt tại Châu Âu nói chung và các doanh nghiệp khu vực này nói riêng. Doanh nghiệp Châu Âu có kinh nghiệm, khả năng công nghệ và kinh phí để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Đây là lý do tại sao EuroCham sẽ tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022 tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 28-30/11. Sứ mệnh của chúng tôi là mang công nghệ xanh, chuyên môn và kinh phí của Châu Âu đến Việt Nam để quốc gia này tăng trưởng bền vững và thân thiện hơn với môi trường.

GEFE có sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách, các nhà tư tưởng hàng đầu thế giới, nhà kinh doanh, học giả, sinh viên và chuyên gia trong ngành từ Châu Âu và Việt Nam để thảo luận, khám phá và thực hiện các giải pháp xanh cho khu vực.

Nguyễn Vân Quỳnh (t/h)