Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2021, Vĩnh Phúc xuất hiện đợt dịch Covid-19 thứ 2 với diễn biến nhanh, phức tạp với nguy cơ khó lường, đe dọa sự an toàn của cộng đồng và sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong tỉnh.

Trước tình hình đó, Vĩnh Phúc đã nhanh chóng kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch. Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp bàn, đưa ra những quyết sách quan trọng, kịp thời để lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao độ, nỗ lực hết mình trong phòng, chống dịch. Cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đảm bảo an sinh xã hội và an toàn cho nhân dân.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Khu đô thị Đồng Sơn, TP.Phúc Yên, Vĩnh Phúc, nơi có ổ dịch bar Sunny
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Khu đô thị Đồng Sơn, TP.Phúc Yên, Vĩnh Phúc.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh phúc Lê Duy Thành cho biết, hơn 25 ngày chống chọi, Vĩnh Phúc đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, đây chỉ là những thành quả bước đầu, đáng mừng, nhưng nguy cơ dịch Covid-19 vẫn còn lớn, đang tiềm ẩn và hiện hữu phía trước, tuyệt đối không thể chủ quan, lơ là.

Nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, nhiều ngày qua Vĩnh Phúc không phát sinh các ổ dịch, ca bệnh mới trong cộng đồng, nhưng hiện hữu vẫn có thể tồn tại nguy cơ dịch.

“Trận chiến thì có thể sớm ngã ngũ, nhưng cuộc chiến có thể còn kéo dài với nhiều diễn biến phức tạp dịch Covid-19. Chỉ một chút lơ là, chủ quan, chúng ta phải trả giá rất đắt”, Chủ tịch Thành nói.

Đặc biệt, hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các địa phương lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội..., nhiều nguồn dịch di chuyển khó phát hiện, kiểm soát, nguy cơ phát sinh vào địa bàn, nhất là các khu, cụm công nghiệp của Vĩnh Phúc rất cao. Nếu không chủ động, kịp thời có các biện pháp quyết liệt, sẽ đối mặt với những tình huống khó lường.

Thực tế, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ tối đa sự an toàn, lợi ích của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn cá biệt một số người dân, doanh nghiệp, tiểu thương, hộ kinh doanh cho rằng, đến nay tỉnh đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh thì không nhất thiết phải hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh… Đáng bàn, một số doanh nghiệp thắc mắc, nhiều địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, nhưng vẫn không yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm cho 100% người lao động mà Vĩnh Phúc thực hiện hạn chế sự di chuyển của công nhân và chuyên gia nước ngoài ra, vào tỉnh…?

Lý giải về việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định: "Để đạt được những thành quả bước đầu trong phòng, chống dịch bệnh như hiện nay, Vĩnh Phúc đã nỗ lực trải qua nhiều gian nan, vất vả, phải tốn rất nhiều công sức, trí tuệ, vật chất, tinh thần. Vì vậy, tỉnh phải bảo vệ bằng được kết quả công tác phòng chống dịch; bản chất biện pháp quyết liệt của tỉnh trong phòng chống dịch đều hướng đến bảo vệ “sức khỏe” của chính doanh nghiệp”.

Chủ tịch Thành dẫn chứng cụ thể, với chủ trương “phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, xét nghiệm thần tốc, cách ly kịp thời, điều trị tích cực”, Vĩnh Phúc đã triển khai quyết liệt phương châm “bao vây, khoanh vùng, đón đầu và đánh chặn”, nhờ đó, đã chuyển từ trạng thái phòng ngự sang tấn công, đưa Covid-19 vào vòng kiểm soát, cơ bản đảm bảo được sự an toàn cho người dân trên địa bàn.

Đồng thời, Vĩnh Phúc chủ trương đẩy mạnh kiểm soát chặt các nguồn lây, cắt đứt các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh. Tại khu công nghiệp, vừa thực hiện duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh vừa phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Do đó, tỉnh linh hoạt áp dụng khoa học việc tổ chức quản lý xã hội như trong điều kiện thời chiến, đúng theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ.

“Bên cạnh chính sách hỗ trợ nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỉnh còn chú trọng điều tra, truy vết, giám sát chặt các yếu tố dịch tễ để tránh phát sinh, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Đối với doanh nghiệp, 100% người lao động tại khu công nghiệp thực hiện xét nghiệm, nhưng đây là giải pháp tình thế, bởi trong trường hợp người lao động liên tục di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác, phương án này sẽ thiếu hiệu quả, khả năng lây nhiễm vẫn rất cao. Vì vậy, tỉnh chủ trương tăng tần suất xét nghiệm các đối tượng này lên 1 tuần/lần hoặc cao hơn, tùy thuộc vào các đối tương có nguy cơ cao hay thấp”, Chủ tịch Lê Duy Thành cho biết.

Để hỗ trợ tối đa người lao động trong các khu, cụm công nghiệp, mới đây, Vĩnh Phúc đã thiết lập 2 khu ký túc xá (công suất hơn 1.000 giường) cho công nhân ngoại tỉnh ở miễn phí trong điều kiện tỉnh hạn chế đi lại của người lao động nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.

Với các chuyên gia, lao động người nước ngoài đang làm việc tại Vĩnh Phúc, tỉnh xây dựng đủ các phương án hỗ trợ, trong đó, đưa ra 5 lựa chọn, gồm: Làm việc online tại chỗ ở (để tránh di chuyển); được đi về từ chỗ ở đến chỗ làm và ngược lại, nhưng phải thực hiện xét nghiệm xác suất 3 ngày/lần; được vào ở miễn phí tại các khu ký túc xá; ở tại các khách sạn tỉnh đã bố trí với mức giá theo thị trường; tự chọn, tự túc chỗ ở.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cũng đánh giá, Vĩnh Phúc không quá cực đoan, không “hoảng sợ” trước sự tấn công của dịch bệnh, nhưng cũng không chủ quan, lơ là trước sự nguy hiểm của dịch bệnh. Đặc biệt là với chủng mới SARS-CoV-2 có tỷ lệ tử vong cao, nên tỉnh càng phải cảnh giác cao độ. Rõ rang, các biện pháp phòng, chống dịch, dù quyết liệt đến mấy, tác động nhiều hay ít đến các đối tượng trong xã hội cũng chỉ nhằm hướng tới sự an toàn của người dân và phát triển bền vững của nền kinh tế.

 Hoan Nguyễn