Toàn cảnh bức tranh kinh tế 2020
Quán triệt những chỉ đạo của Trung ương, Vĩnh Phúc đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đồng tâm, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ kép.
Đến nay, đánh giá về kết quả phòng, chống dịch COVID-19 tại Vĩnh Phúc, nhiều ý kiến đồng tình nhận định, Vĩnh Phúc đã khống chế và kiểm soát được dịch bệnh bởi sự phản ứng nhanh, kịp thời, nhạy bén và chính xác. Cùng với thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, chính quyền tỉnh đã đánh giá đúng tình hình, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp thực tiễn và tổ chức thực thi sớm.
Khi dịch COVID-19 xuất hiện, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Ban cán sự Đảng tỉnh đã đưa ra những chỉ đạo quyết liệt để nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Vĩnh Phúc đã lựa chọn trúng, đúng và chỉ đạo quyết liệt những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phát sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Những chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo sự đồng lòng, đoàn kết, phát huy được phẩm chất, năng lực, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ toàn tỉnh.
Tinh thần “chống dịch như chống giặc” còn được thể hiện rất rõ khi trực tiếp người đứng đầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp khẩn với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, cùng nhiều sở, ngành, thành phố, huyện. Người đứng đầu Đảng bộ Vĩnh Phúc chỉ đạo: Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không được hoang mang, lo lắng quá mức; phải tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của hệ thống chính quyền cũng như của cả nước.
Trong lĩnh vực kinh tế, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó, kinh tế tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao bình quân 7,1%/năm giai đoạn 2015-2020 (cao hơn bình quân chung cả nước 6,7%), chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân hơn 8,38%/năm (cả nước 5,8%/năm); sức cạnh tranh, quy mô kinh tế ngày càng lớn (năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015, chiếm 1,7% GDP cả nước) tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của tỉnh trong vùng và cả nước.
Đặc biệt, năm 2020, dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Vĩnh Phúc ước tăng 2,21% so với năm 2019. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn đứng trong top đầu của cả nước.
Có thể thấy, thành quả của Vĩnh Phúc đã cho thấy nỗ lực, quyết tâm của Vĩnh Phúc trong “cuộc chiến” phục hồi và phát triển kinh tế nhằm hoàn thành “nhiệm vụ kép” vừa phát triển kinh tế xã hội vừa kiểm soát tốt dịch bệnh.
Cùng với triển khai các cơ chế, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, với tinh thần chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, nhiều buổi làm việc với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để duy trì và phát triển SXKD.
Đáng mừng, ngay trong những thời điểm khó khăn chưa từng có, các doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất, giữ việc làm ổn định, đảm bảo đời sống người lao động, đã đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, công sức, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định: Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, năm 2020, kinh tế, xã hội của tỉnh cơ bản ổn định; đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; các hoạt động văn hóa xã hội, an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội vẫn đảm bảo.
Đặc biệt, vượt qua khó khăn, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 của Vĩnh Phúc vẫn vượt con số hơn 32 nghìn tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 27,8 nghìn tỷ đồng (đạt chỉ tiêu Nhà nước giao, chưa có sự điều chỉnh). Vĩnh Phúc vẫn nằm trong tốp đầu cả nước về thu nội địa và nằm trong nhóm có tỷ lệ điều tiết về Trung ương cao.
Tăng trưởng kinh tế đạt 2,21% so với năm 2019, trong đó, ngành nông - lâm - thủy sản, công nghiệp xây dựng đều tăng so với cùng kỳ. Trong năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 20 nghìn lao động, trong đó việc làm trong nước 18.800 lao động.
Thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, năm 2020, cũng như các tỉnh, thành trên cả nước, Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu mốc phát triển của tỉnh.
Tạo thế và lực mới
Mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới và tiềm ẩn nguy cơ tác động mạnh vào Việt Nam, nhưng chỉ ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII thành công, với cách làm sáng tạo và chuyên nghiệp, Vĩnh Phúc liên tục có những sự kiện lớn, để lại dấu ấn trong nước và quốc tế.
Mở đầu là ngày 19/10/2020, Vĩnh Phúc vinh dự được lựa chọn là tỉnh duy nhất trao giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án lớn của nhà đầu tư TOTO (Nhật Bản) với tổng giá trị 100 triệu USD tại KCN Thăng Long 3.
Tiếp đến, ngày 14/11/2020, trong sáng kiến thiết lập hệ thống Cảng cạn Logictic Asean, Vĩnh Phúc vinh dự được Chính phủ lựa chọn là địa phương duy nhất trong khối ASEAN mở màn trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Cảng cạn ICD-Vĩnh Phúc của Tập đoàn YCH HOLDING (Singapore) và T&T GROUP (Việt Nam).
Ngày 18/11/2020, Hội thảo Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc “Vĩnh Phúc - Điểm đến đầu tư an toàn và tiềm năng” do UBND tỉnh phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KCCI), nhằm thúc đẩy cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc và Hàn Quốc.
Ngoài ra, còn nhiều sự kiện được triển khai thông qua hình thức trực tuyến, trao đổi thông tin qua các dịch vụ công nghệ thông tin… cho thấy sự quyết tâm, sáng tạo và đổi mới của chính quyền tỉnh trong phát triển công nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định rõ phương hướng, mục tiêu và 29 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, trong đó có 9 chỉ tiêu về kinh tế, 11 chỉ tiêu về văn hóa xã hội, 5 chỉ tiêu về môi trường và 4 chỉ tiêu về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Đặc biệt, đại hội thống nhất cao với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và xác định 3 khâu đột phá để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Để sớm đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống, Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả trên mọi lĩnh vực ngay từ những tháng đầu, năm đầu của nhiệm kỳ. Năm 2021 là năm đầu thực hiện nghị quyết, do vậy, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; những cơ chế chính sách mang tính đột phá; trách nhiệm của người đứng đầu được nêu cao… sẽ là cơ sở vững chắc, tạo động lực để các cấp, các ngành, các địa phương quyết tâm nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Bước sang năm 2021, Vĩnh Phúc xác định tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã đề ra UBND tỉnh đã đề ra 14 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2021, trong đó GRDP tăng tăng 8,5-9%; Tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 30,7 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 27,1 nghìn tỷ đồng. Thu hút đạt 400 triệu USD vốn FDI và 5.500 tỷ đồng vốn DDI. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) còn dưới 1%. Giải quyết việc làm mới cho khoảng 16-17 nghìn lao động…
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, đồng thời không chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục duy trì sức căng “chống dịch như chống giặc”. Khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế. Tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm các chế độ an sinh xã hội. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách các thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...
Như “lửa thử vàng”, càng trong gian khó, những kết quả về phát triển kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc càng thêm đậm nét. Điều này bắt nguồn từ sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của lãnh đạo; sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cũng như mỗi người dân. Tinh thần này cần tiếp tục được phát huy để tạo lực đẩy cho năm 2021- năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ Vĩnh Phúc.
Báo chí đóng góp vào sự phát triển của Vĩnh Phúc
Tại buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành gửi lời cảm ơn trân trọng các nhà báo, phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đã đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trong suốt quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại của tỉnh Vĩnh Phúc.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, mặc dù năm 2020 là năm gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có đại dịch Covid-19, các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng chính quyền và nhân dân trong nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi Covid-19 và khôi phục phát triển kinh tế-xã hội. Điều này thể hiện qua khối lượng tin, bài “đồ sộ” về việc kịp thời, nhanh chóng thông tin chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương và chính quyền Vĩnh Phúc trong công tác phòng, chống dịch; bám sát, chuyển tại kịp thời các số liệu về ca nhiễm, thông tin dịch tễ lịch trình di chuyển của người bệnh đến với người dân … góp phần quan trọng để khống chế dịch; thông tin phản ánh kịp thời nỗ lực đi lên, phát triển của Vĩnh Phúc. Sự thành công toàn diện của Vĩnh Phúc có phần đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đề nghị, báo chí tiếp tục áp dụng khoa học - công nghệ mới để hoạt động báo chí phát triển mạnh mẽ hơn. Đảng bộ, chính quyền Vĩnh Phúc mong muốn nhận được sự góp ý nhiều hơn của báo chí, để góp phần xây dựng chính quyền Vĩnh Phúc hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Chia sẻ với những khó khăn của các cơ quan báo chí, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho rằng, để các cơ quan báo chí tự chủ được về tài chính thì nhất thiết phải có cơ chế đặt bài, giao nhiệm vụ cho báo chí và mong muốn các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Vĩnh Phúc, phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt đời sống xã hội, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Tăng cường các bài viết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, làm cho cuộc sống của người Vĩnh Phúc ngày càng tốt đẹp hơn, môi trường xã hội lành mạnh hơn, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội hấp dẫn hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh, năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn, khai thác nguồn lực, thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, đô thị kiểu mẫu, tăng cường chỉnh trang đô thị, hoàn thiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tập trung hỗ trợ môi trường sống, học tập, sinh hoạt, thể thao, bản sắc văn hoá khu vực nông thôn. Quan tâm đến công tác cán bộ: nhận thức, tư tưởng, cách tiếp cận, phương pháp của cán bộ, thay đổi tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm; giao trách nhiệm và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm cụ thể...
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí gửi lời cảm ơn đến Đảng bộ và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã luôn quan tâm, chia sẻ và tạo điều kiện cho đội ngũ báo chí tác nghiệp, khai thác thông tin, lan tỏa thông điệp ý nghĩa, tốt đẹp đến đông đảo bạn đọc, đóng góp vào sự phát triển của Vĩnh Phúc. Hiện nay, có một số đơn vị trên địa bàn tỉnh “vin” vào cái cớ “tôn chỉ mục đích” của báo, tạp chí để tạo “lá bùa” nhằm bưng bít, né tránh và che đậy các thông tin tiêu cực, bất lợi… Điều này, gây khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tác nghiệp, khai thác thông tin cho phóng viên, dẫn đến một số thông tin báo chí phản ánh chưa toàn diện, chưa phản ánh đầy đủ hoạt động đa dạng của các vấn đề kinh tế, xã hội tại Vĩnh Phúc. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cần chủ động cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan báo chí trong việc thực hiện các đợt tuyên truyền; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin để đơn vị tổ chức tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương phản ánh ngày càng kịp thời, toàn diện, hiệu quả mọi mặt hoạt động của đời sống chính trị - xã hội; đồng hành cùng chính quyền Vĩnh Phúc trong triển khai các nhiệm vụ chính trị, tạo đồng thuận xã hội.
Ngoài hình thức tổ chức họp báo, các cơ quan, đơn vị của Vĩnh Phúc có thể chủ động cung cấp thông tin cho báo chí qua email, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội… bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ, thành phần họp báo bao gồm người đứng đầu chính quyền Vĩnh Phúc, nội dung buổi họp báo sẽ thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội hằng tháng của Vĩnh Phúc và chủ đề được báo chí, dư luận xã hội quan tâm.
Hoan Nguyễn