Chủ tịch VCCI:

Ông Vũ Tiến Lộc chính là người đã cùng các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chọn 13/10 hàng năm là ngày doanh nhân Việt Nam

Chia sẻ với báo chí nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: "Sau một quá trình cải cách mở cửa 30 năm đến nay, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành hơn rất nhiều. Việc hình thành đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo, vững vàng là thành quả quan trọng nhất của chúng ta".

Doanh nhân Việt đã dày dạn hơn

"Doanh nghiệp Việt ngày nay đã dày dạn hơn rất nhiều trên thương trường. Họ cũng là những người có đầy năng lượng, có tinh thần sáng tạo. Chính phẩm chất này rất phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế mới, nền kinh tế thông minh. Tôi rất hy vọng đội ngũ doanh nghiệp Việt có những bước đột phá hơn trong thời gian tới", ông nói.

Trong cuộc chơi lớn toàn cầu, người đứng đầu VCCI cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đã tiếp cận phương thức phát triển bền vững. Việc các doanh nghiệp đang tiếp cận chuẩn mực toàn cầu, đặc biệt là chuẩn mực về phát triển bền vững là tín hiệu rất phấn khởi.

"Một doanh nghiệp rất lớn mà không đạt được chuẩn phát triển bền vững thì nguy cơ đổ sụp trong tương lai là có thể. Nhưng tôi nhấn mạnh không chỉ doanh nghiệp lớn, mà các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cũng phải tiếp cận theo cách thức này. Chỉ bằng cách phát triển bền vững thì các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ mới lớn được", ông nói thêm.

Lý giải về nguyên nhân Việt Nam có rất ít thương hiệu mang tầm quốc tế, ông Lộc thừa nhận, thời gian vừa qua cơ hội kinh doanh Việt Nam khá lớn nên chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Tuy nhiên, khi tăng trưởng chiều rộng dựa vào tài nguyên và lao động giá rẻ thì rất khó để có những thương hiệu thực sự.

"Số lượng các doanh nghiệp Việt được thế giới tôn vinh, ghi nhận xếp hạng còn quá ít. Như vậy, bên cạnh thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì việc xây dựng thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn là yêu cầu quan trọng. Các doanh nghiệp này phải hình thành theo xu hướng cạnh tranh, hình thành dựa trên nền tảng công nghệ chứ không phải nhờ khai thác tài nguyên hay lao động giá rẻ…", ông nhấn mạnh.

Không còn "một mình một chợ"

Cũng phát biểu nhân ngày 13/10, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, "điểm được" của doanh nghiệp Việt mà ông cảm nhận được là họ rất kiên trì, bản lĩnh chịu khó, chịu cực vượt qua khó khăn, đặc biệt trong 10 năm nay khi nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản nhưng vẫn tìm cách trụ lại để phát triển. Như vậy, ưu điểm lớn nhất là tinh thần chịu khó, chịu cực, bản lĩnh.

"Thế giới càng ngày càng phẳng dần, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, khi thế giới phẳng chấp nhận không chỉ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước mà cả nước ngoài", ông nói.

Theo vị doanh nhân, để doanh nghiệp đủ sức mạnh cạnh tranh, bản thân doanh nghiệp cũng cần nghĩ không còn "một mình một chợ" mà có cạnh tranh nước ngoài, cần xem lại cung cách làm ăn, đối xử với khách hàng.

"Như vậy doanh nghiệp cần thay đổi đạo đức, văn hóa kinh doanh. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần thay đổi, đưa ra chính sách thuế, chính sách thủ tục đầu tư, hạ tầng... Không nên làm khó đặc biệt với những doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam vì như thế sẽ không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài", ông nói thêm.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Việt Hà - Phó Chủ tịch Nhóm Kinh tế số Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), đồng thời là Giám đốc điều hành FPT cho rằng, môi trường kinh doanh Việt Nam về cơ bản là ổn định, tạo điều kiện cho các doanh nhân yên tâm hoạt động kinh doanh vì các điều kiện vĩ mô về lãi suất, lạm phát vẫn được giữ vững. Tuy nhiên, các chi phí liên quan tới thủ tục (thời gian, các loại giấy tờ, các loại phí…) chưa thấy có sự cải thiện cụ thể.

"Năm vừa qua có nhiều sự kiện đối thoại, nhiều hoạt động, nhiều tuyên bố liên quan tới chủ trương và triển khai thực thi Chính phủ kiến tạo, giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, doanh nhân. Các sự kiện trên đã tạo nên một không khí đổi mới, phấn khởi cho cộng đồng doanh nhân nói chung", ông Hà nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo FPT, các vấn đề nêu lên thì chỉ một số nhỏ được giải quyết, việc triển khai thực thi còn chậm, còn vướng nhiều vấn đề giữa các bộ, ngành với nhau. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mong muốn Chính phủ hành động và hành động nhanh hơn nữa.

Điểm nhấn doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân

Trước đó, ngay trước thềm ngày Doanh nhân Việt Nam, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã được thành lập với sự tham gia của hàng loạt doanh nhân nổi tiếng, như: Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính; ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận - thành viên; ông Trần Trọng Kiên, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch - thành viên; ông Vũ Văn Tiền, thành viên Ban cố vấn Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam - thành viên; ông Don Di Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, Phó chủ tịch Hội đồng Nghị sự toàn cầu về ASEAN, Diễn đàn Kinh tế thế giới - thành viên...

Mới đây, Thủ tướng cũng đã có buổi Tọa đàm Đối thoại chính sách với lãnh đạo đến từ 14 tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhằm "lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, có gì đặt ra để kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển".

"Nút thắt ở đây là gì? Các vị hay đưa ra những vấn đề mà cho rằng cần tháo gỡ để kinh tế tư nhân phát triển. Từ tiếng nói này chúng tôi sẽ hình thành chính sách, định hướng để tiếp tục tạo ra khung pháp lý, môi trường kinh doanh để doanh nghiệp tư nhân phát triển đúng hướng; ngày càng nhiều tập đoàn lớn mạnh cùng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa” , Thủ tướng nói

Hồi tháng 7 năm nay, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần 2 – VPSF 2017, Thủ tướng cũng khẳng định, với mỗi đơn vị bổ sung thì doanh nghiệp tư nhân tạo ra doanh thu nhiều hơn gấp 3 lần doanh nghiệp Nhà nước, cho thấy chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế nằm rất nhiều ở khu vực tư nhân.

“Những gì tư nhân có thể làm tốt thì để tư nhân làm. Đây là con đường đúng đắn để Việt Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích các địa phương chủ động sáng tạo, phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế”, Thủ tướng cho biết.

Theo Dantri