Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), hàng năm mức chi cho tham nhũng chiếm tới 50% GDP toàn cầu, tương đương 2.600 tỷ USD. Còn theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, riêng mức chi cho hối lộ trên toàn cầu mỗi năm là 1.000 tỷ USD/năm. 

Chống tham nhũng và liêm chính trong kinh doanh thực sự trở thành mối quan tâm hàng đầu. Ảnh minh họaChống tham nhũng và liêm chính trong kinh doanh thực sự trở thành mối quan tâm hàng đầu. Ảnh minh họa

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, con số tham nhũng trên là quá lớn. Tham nhũng đã làm tăng chi phí và tạo ra bất ổn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ngoài ra, tham nhũng cũng dẫn tới việc sử dụng ngân sách kém hiệu quả với lý do ngân sách đầu tư thường không được đến với những khu vực cần đầu tư. 

Cũng theo ông Lộc, ở Việt Nam hay ở những quốc gia đang phát triển, việc vẫn còn tồn tại cơ chế xin - cho, khiến nguy cơ dẫn tới tham nhũng cao. Điều này đã tác động lớn tới việc phân bổ đất đai, tài nguyên và nhiều nguồn lực khác của xã hội vào những nơi không có hiệu quả. Chống tham nhũng và liêm chính trong kinh doanh thực sự trở thành mối quan tâm hàng đầu, nhất là với những nước đang phát triển.  

Ông Lộc cho biết, với đội ngũ doanh nghiệp quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ hiện chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam, vấn đề phòng chống tham nhũng và xây dựng văn hóa liêm chính trong kinh doanh là hết sức quan trọng.

Theo bà Catherine Phuong, Trưởng phòng Quản trị Công, thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, mỗi ngày, có khoảng 360 doanh nghiệp mới được đăng ký thành lập. Tính chung, mỗi năm Việt Nam có  hơn 130.000 doanh nghiệp mới. Hầu hết, các doanh nghiệp mới, được dẫn dắt bởi những người trẻ tuổi. Theo thống kê, 55% doanh nhân ở Việt Nam có độ tuổi từ 18 đến 34. Các doanh nhân trẻ phải điều hành một doanh nghiệp, bao gồm cả việc giải quyết các vấn đề về sản xuất, kinh doanh cũng như thủ tục hành chính. Điều đáng mừng là thế hệ doanh nhân trẻ này thường từ chối với vấn đề tham nhũng.

Theo số liệu khảo sát thực hiện tại Việt Nam trong năm 2019, hầu hết tất cả những người được hỏi tin rằng tham nhũng và thiếu liêm chính có hại cho thế hệ của họ, nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 3/4 trong số người được khảo sát cho biết, họ không có hoặc có rất ít kiến thức về các quy tắc và quy định chống tham nhũng và liêm chính. 

Bà Catherine cũng cho hay, hiện UNDP đang triển khai Dự án: "Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN”. Đây là dự án được tài trợ bởi Quỹ thịnh vượng của Vương quốc Anh. Theo dự án này, UNDP sẽ phối hợp với các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp để tăng cường và thực hiện các chính sách chống tham nhũng và luật pháp và để thúc đẩy thực tiễn liêm chính kinh doanh tại 6 quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam. 

Trong hai năm qua, UNDP và VCCI đã tiến hành một loạt các hoạt động nhằm khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và áp dụng các quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ. Một cuộc khảo sát với hơn 200 công ty đã được thực hiện để đánh giá nhu cầu phát triển và áp dụng các công cụ này.  

“Chúng tôi đang triển khai các hoạt động cụ thể tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nhân trẻ, bao gồm cả các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chúng tôi sẽ tổ chức đào tạo, phát triển danh sách kiểm tra đầu tư về tính toàn vẹn trong kinh doanh cho các nhà đầu tư và về tính toàn vẹn trong kinh doanh. Doanh nhân trẻ ngày nay sẽ trở thành nhà lãnh đạo kinh doanh của ngày mai. Do đó, nâng cao nhận thức của họ về lợi ích của thực tiễn liêm chính trong kinh doanh sẽ giúp đảm bảo một môi trường kinh doanh công bằng trong tương lai”, bà Catherine nói. 

Bà Catherine Phuong nhấn mạnh: “Việc xây dựng văn hóa liêm chính trong kinh doanh ở Việt Nam cần nhiều hành động tập thể hơn. Tính toàn vẹn trong kinh doanh phải là cốt lõi của hệ thống giá trị của mọi công ty. Đó là chìa khóa để hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững hoặc SDGs vào năm 2030 và UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này. Tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo của bạn để thay đổi doanh nghiệp văn hóa ở Việt Nam”.

Theo các chuyên gia, Luật Phòng chống tham nhũng đã được Quốc hội ban hành Ngày 1/7/2019. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tham nhũng. Điểm mới của Nghị định 59 là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra cả khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng.

 Bùi Quyền