Khách hàng chọn mua sản phẩm organic tại một cửa hàng ở TPHCM. Ảnh: THANH HẢI
Khách hàng chọn mua sản phẩm organic tại một cửa hàng ở TPHCM. Ảnh: THANH HẢI

Được biết, vào trung tuần tháng 11/2020, phiên chợ “Organic Town - Gis Market” do Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, Dự án chuẩn hội nhập, Công ty BSAS và Công ty cổ phần Vinamit tổ chức tại số 84 Nguyễn Du, quận 1, TPHCM. 

Ngay trong ngày khai mạc, phiên chợ đã thu hút rất đông người tiêu dùng đến mua sắm khiến nhiều sản phẩm đã bị “cháy hàng”. Từ đó đến nay, đều đặn vào 2 ngày cuối tuần thứ bảy và chủ nhật, phiên chợ lại tấp nập người mua, kẻ bán. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho hay: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi chọn những sản phẩm đạt chuẩn để đáp ứng nhu cầu lựa chọn của người tiêu dùng. Chúng tôi cố gắng tạo ra những không gian tin cậy cho người tiêu dùng, cho họ thấy sự khác biệt về tiêu chuẩn, chất lượng, kế đó là những yếu tố khác đi kèm. Đây là một bước tiến mới, để kết nối chặt chẽ hơn với người tiêu dùng”.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, cho rằng, việc ra mắt “Organic Town - Gis Market” thể hiện sự mong muốn của DN giới thiệu, cung cấp cho người tiêu dùng về những sản phẩm organic, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Không chỉ giúp nhà sản xuất, người tiêu dùng, phiên chợ còn giúp cho các bạn trẻ đang khởi nghiệp muốn thay đổi phương thức làm khác biệt. 

Bên cạnh đó để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm đạt chuẩn an toàn cao, gần đây, hầu hết các siêu thị tại TPHCM cũng bố trí riêng các quầy kệ cho hàng organic, hàng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) hoặc tổ chức luân phiên hội chợ giới thiệu hàng đặc sản của các vùng miền. Giám đốc một siêu thị cho biết, doanh thu từ nhóm các mặt hàng này có sức tăng trưởng vượt bậc, trung bình đạt mức 15%-20%/năm.

Báo cáo mới nhất của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng chung của nhiều quốc gia. Cụ thể, thế giới hiện có 50,9 triệu ha được canh tác hữu cơ và tiềm năng thị trường lên tới 81,6 tỷ USD.

Việt Nam hiện có 33/63 tỉnh thành đã phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, diện tích đạt hơn 76.600ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 tập đoàn, DN, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, lĩnh vực được xem là có nhiều thuận lợi để phát triển ở Việt Nam. Tiêu thụ thực phẩm hữu cơ đã trở thành một xu hướng mới ở Việt Nam. 

Khách hàng mua sản phẩm hữu cơ tại một cửa hàng ở quận 2, TPHCM
Khách hàng mua sản phẩm hữu cơ tại một cửa hàng ở quận 2, TPHCM.

Đặc biệt, người tiêu dùng sẵn sàng chi mức giá cao hơn 20% - 25% cho sản phẩm hữu cơ. Điều này cho thấy, chất lượng cuộc sống và nhu cầu đòi hỏi sản phẩm sạch ngày càng được chú trọng hơn. Nhu cầu tăng cao khiến nguồn thực phẩm hữu cơ ngày càng phong phú, phổ biến. Tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm hữu cơ organic được xem là tiêu chuẩn chất lượng và cao cấp nhất trên thế giới, vì quy trình sản xuất tuân theo các quy định vô cùng nghiêm ngặt, đòi hỏi sự đầu tư xứng tầm.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho hay, trước đây chỉ trồng lúa hữu cơ trên diện tích đất của công ty. Nhưng vụ đông xuân này, Trung An đang áp dụng với diện tích 1.500ha, trên các cánh đồng liên kết với nông dân. Làm việc cùng nông dân để triển khai toàn bộ quy trình công nghệ, không thực hiện thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất vào đồng ruộng và người nông dân đồng tình, bởi chúng tôi cam kết cấp giống, phân, chế phẩm sinh học, đảm bảo sản lượng cho họ. Điều này cho thấy, chính người dân hiểu tác hại của việc canh tác bằng phun thuốc hóa học, ảnh hưởng đến sức khỏe, đất đai; Làm theo canh tác organic sẽ được nhiều lợi thế hơn, bởi thu nhập không bị giảm đi mà sức khỏe cũng không bị ảnh hưởng.

 Thùy Linh