Theo số liệu của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai. Trong đó, bao gồm: 6 cơn bão, 5 cơn áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 12 trận lũ quét, sạt lở đất, 7 đợt gió mạnh trên biển, 4 đợt rét đậm, rét hại.
Hậu quả là làm 175 người chết và mất tích, 105 người bị thương. Đồng thời, đã làm 1.682 nhà bị đổ, sập và 31.238 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp và 44.094 nhà bị ngập nước.
Về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, 214.416 ha lúa và hoa màu bị đổ dập; 24.323 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 26.590 con gia súc và 450.851 con gia cầm bị chết; 11.114 ha thủy sản bị ngập, thiệt hại.
Về công trình thủy lợi và giao thông, làm hơn 332,82 km đê, kè, kênh mương và bờ bao bị sạt trượt; hơn 55,6 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; hơn 8,4 triệu m3 đất đá đường giao thông Quốc lộ, Tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt.
Theo ước tính, từ đầu năm đến nay, tổng thiệt hại về kinh tế do ảnh hưởng của thiên tai ước tính trên 12.356 tỷ đồng.
Đối với khu vực miền Bắc, thiên tai thường đến sớm, kéo dài, với nhiều đợt cường độ mạnh, biểu hiện cực đoan, khó dự báo, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, các địa phương cần tập trung khắc phục hậu quả các trận thiên tai, đồng thời, di dân khẩn cấp ở những vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét.
Còn với các tỉnh miền Trung, cần xây dựng và triển khai phương án ứng phó với bão mạnh, lũ lớn; xây dựng và triển khai Đề án phòng, chống thiên tai tổng thể khu vực miền Trung; triển khai các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông. Đồng thời, cần tăng cường năng lực cơ quan tham mưu phòng, chống thiên tai các cấp; xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở (cấp xã, thôn, bản) với dân quân tự vệ làm nòng cốt trên toàn quốc.
Với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cần triển khai phương án ứng phó với lũ lớn tại các tỉnh và toàn vùng; triển khai các phương án ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển.
Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, dự thảo chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cũng chỉ rõ, phòng chống thiên tai cần lấy chủ động phòng ngừa là chính, đồng thời cần sẵn sàng ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Phòng chống thiên tai thông qua việc thực hiện các biện pháp tổng hợp, trong đó, tập trung vào quản lý rủi ro thiên tai, có sự tham gia của các ngành, liên kết giữa các vùng, lồng ghép trong việc xây dựng và thực thi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các nước, các ngành và các địa phương, được thực hiện đồng bộ, theo giai đoạn, có trọng tâm, trọng điểm.
Cao Huyền - Phương Thảo