Được biết, thiên tai đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản tại khu vực này với 157 người chết, mất tích; 430 người bị thương; hơn 4.000 nhà bị đổ, cuốn trôi; trên 230.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng... Tổng thiệt hại về kinh tế ước khoảng 31.765 tỷ đồng (chiếm 53% tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên toàn quốc).

Xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực phòng chống thiên tai tại Tây Nguyên - Hình 1

Lũ quét tàn phá hết tài sản của người dân

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm nay tương đương năm 2017.

Dự báo từ nay đến cuối năm còn khoảng 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, riêng khu vực Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, do đó, các địa phương cần đề phòng những cơn bão mạnh và có hướng di chuyển phức tạp để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

Với mục tiêu nâng cao năng lực, chủ động PCTT, các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên cần nhanh chóng kiện toàn tổ chức, phân công cụ thể thành viên Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể và nghiêm túc triển khai thực hiện.

Xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực phòng chống thiên tai tại Tây Nguyên - Hình 2

Sạt lở do thiên tai gây ra

Các địa phương cần xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực PCTT, trong đó chú trọng bố trí nguồn lực, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp, kết nối trực tuyến với cơ quan PCTT Trung ương và các cấp ở địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Mặt khác, các địa phương tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học trong công tác truyền tải thông tin, hệ thống nhắn tin SMS phục vụ công tác PCTT nhằm đưa thông tin đến tận thôn, bản và người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; rà soát, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai, kế hoạch PCTT, cũng như phương án ứng phó với lũ lớn, bão mạnh, siêu bão, sạt lở đất, lũ quét... đảm bảo sát với thực tiễn.

Bên cạnh đó, chủ động công tác dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính sách; nâng cao năng lực dự báo mưa trên lưu vực cho tất cả các hồ, đập; tổ chức sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với khu vực thương xuyên có lũ nhằm giảm thiệt hại cho sản xuất, đặc biệt sản xuất nông nghiệp, thủy sản khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

 Cao Huyền - Phương Thảo