Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc ổn định giá cả, hạn chế các tác động tiêu cực đến đời sống xã hội là cần thiết. Do đó, cơ quan này đề xuất tạm thời chưa xem xét việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển.
Chưa xem xét tăng trần giá vé máy bay
Trước đó, đầu tháng 3/2020, Cục Hàng không Việt Nam có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019 của Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển về mức quy định năm 2014.
Cụ thể, Cục Hàng không đề xuất giữ nguyên giá trần cho các đường bay kinh tế - xã hội (1,6 triệu đồng) và các đường bay khác dưới 500 km (1,7 triệu đồng), đồng thời tăng giá trần đường bay có cự ly vận chuyển 500 - 850 km từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (tăng 2,27%).
Giá trần đường bay từ 850 - 1.000 km cũng được đề xuất tăng từ 2,79 triệu lên 2,89 triệu đồng (tương đương 3,58%). Đường bay từ 1.000 - 1.280 km tăng từ 3,2 triệu lên 3,4 triệu đồng (tương đương 6,25%) và đường bay từ 1.280 km trở lên sẽ tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (tương đương 6,67%).
Đề xuất này của Cục Hàng không Việt Nam được đưa ra trên cơ sở biến động chi phí đầu vào. Cụ thể, theo thống kê, tháng 2/2020, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á là 65,27 USD/thùng (tăng 11,36% so với thời điểm tháng 8/2015). Thuế nhập khẩu 7%, tỷ giá tăng khoảng 3,25% so với thời kỳ tháng 8/2015; Thuế bảo vệ môi trường tăng 200% (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít). Biến động của giá nhiên liệu và tỷ giá trong thời gian từ tháng 8/2015 đến tháng 2/2020 tác động làm tăng khoảng 5,62% chi phí một chuyến bay.
Lý giải cho sự thay đổi này, Cục Hàng không cho rằng, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến vận tải hàng không, khiến giá nhiên liệu Jet A1 giảm.
Theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA ngày 9/4/2020, giá nhiên liệu Jet A1 ở khu vực châu Á giảm còn 24,66 USD/thùng. Dự báo mức giá bình quân năm 2020 là 56,9 USD/thùng.
Cục Hàng không cho rằng, trong giai đoạn thị trường phát triển ổn định (khi chưa có dịch), giá nhiên liệu cơ bản có xu hướng tăng cao. Do đó, việc xây dựng chính sách cần xem xét xu hướng tăng trở lại của giá nhiên liệu bay khi thị trường dần hồi phục.
Thêm vào đó, giai đoạn hiện nay, với tác động của dịch COVID-19, sản lượng hành khách, hệ số ghế sử dụng và doanh thu của các hãng sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi hàng loạt chi phí khác lại gia tăng như chi chi phí bảo đảm an toàn phòng chống dịch, chi phí sân đậu tàu bay… làm chi phí trên mỗi chuyến bay và trên hành khách tăng cao.
Số liệu thống kê từ Vietnam Airlines cho thấy, nếu như năm 2015, chi phí cho một hành khách/km là 1.933 đồng/km, đến năm 2018, con số này là 2.027 đồng/km (tăng 4,8%). 3 tháng đầu năm 2020, khi đã có ảnh hưởng ban đầu của dịch bệnh, chi phí này là 2.345 đồng/km. Dự kiến cả năm nay, chi phí sẽ tăng lên tới 12.925 đồng/km (51,3%).
Mặc dù vậy, để đảm bảo ổn định giá cả, hạn chế tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, Cục Hàng không Việt Nam vẫn đề xuất “tạm thời chưa xem xét điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa”.
PV