Ảnh minh hoạ
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Hà Nội, năm 2017, có 16 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó bão số 2, số 10 ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ từ ngày 10-12/10/2017. Mưa lớn gây thiệt hại nặng nề đến đời sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn Thành phố, đặc biệt một số huyện phía Tây và Tây Bắc như: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: Thiên tai đang ngày một bất thường và khó lường, do đó, các đơn vị không thể để tâm lý chủ quan. Cho rằng, thành phố Hà Nội có diện tích đê lớn, tuy nhiên, đê điều Hà Nội vẫn còn nhiều điểm sung yếu. Vì vậy, các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị 05/CT-UBND 2018 về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Chủ tịch UBND thành phố.
Trước mùa mưa bão năm 2018, lãnh đạo thành phố cũng đề nghị các sở ngành, các địa phương xây dựng phương án hộ đê, bảo đảm an toàn hồ đập. Sẵn sàng phương án ứng phó các cấp độ, tình huống, loại hình thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm ứng phó chủ động, kịp thời xử lý các sự cố. Phó Chủ tịch Thường trực lưu ý các địa phương cần xây dựng phương án sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm (ven sông, địa bàn trũng thấp, nơi có nguy cơ sạt lở đất…).
Ngoài ra, cần dự trữ lương thực, thuốc men, hàng hóa vật tư thiết yếu để hỗ trợ Nhân dân khi thiên tai xảy ra... Phó Chủ tịch nhấn mạnh: Các sở, ban, ngành, các địa phương cần phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trong phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố thuộc lĩnh vực ngành quản lý. “Lãnh đạo địa phương phải trực tiếp xuống địa bàn, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai thường xuyên, sâu sát, sẵn sàng ứng phó trên tinh thần chủ động cao nhất…”.
Riêng đối với khu vực nội thành, Phó Chủ tịch lưu ý về mưa lớn dẫn đến ngập úng ở các điểm nội thành, các đơn vị cần có kế hoạch thoát nước, Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cần phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước, phối hợp chặt chẽ trong công tác tiêu thoát nước ra các sông lớn, tránh gập úng nội thành. Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cần điều tiết giao thông, phân làn; Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cần rà soát lại các khu vực cây dễ bị đổ, gãy, chằng chống để đảm bảo vệ cây trồng - Phó chủ tịch nhấn mạnh thêm.
Thanh Bình