Xin chào ông, chúng ta đều thấy năm 2021, thị trường chứng khoán rất thu hút các nhà đầu tư tham gia, và cụ thể là VN-Index đã tăng nóng với những chỉ số lần đầu xác lập kỷ lục. Thế nhưng những lần giảm điểm hồi Tết Nguyên đán, sau đó là tại thời điểm này, có thể nói khá sốc với nhà đầu tư, cùng với những vụ việc nhân vật thao túng thị trường chứng khoán bị bắt, chúng ta thấy có rất nhiều nhà đầu tư đã rút ra khỏi thị trường đầy biến động này và lựa chọn kênh đầu tư là BĐS. Ông đánh giá ra sao về xu hướng này ở thời điểm hiện tại?

TS. Sử Ngọc Khương: Tôi thấy thực trạng này đang rất đúng bởi đầu tư chứng khoán nó khác với đầu tư BĐS. Đầu tư chứng khoán là đầu tư để có giá trị gia tăng tích luỹ từ cổ phiếu cổ tức của mình. Trong thời gian vừa qua chúng ta thấy thị trường chứng khoán tăng rất nóng, lên rất cao, số tài khoản chứng khoán rất là nhiều, thể hiện tâm lý của nhà đầu tư mang tính lướt sóng, một tí “cờ bạc” nên khi thị trường đảo chiều thì ngay lập tức họ dừng lại.

Đối với thị trường Việt Nam, BĐS vẫn là cơ hội để đầu tư ổn định lâu dài. Tôi nghĩ rằng với bối cảnh VN-Index và thị trường có những khó khăn nhất định trong thời gian qua thì một lần nữa các nhà đầu tư sẽ nhìn nhận lại cách đầu tư ở thị trường Việt Nam. Vì thị trường Việt Nam mình bây giờ thì khác với thị trường năm 2007 - 2008 là thị trường của lướt sóng, của canh bạc. Bây giờ khác rồi, thị trường chúng ta giờ gần tiến tới cận biên, do vậy các hoạt động tương đối minh bạch, nếu thị trường không đạt được mục tiêu kỳ vọng của nhà đầu tư thì họ sẽ chuyển sang kênh đầu tư khác phải đảm bảo được nguồn vốn của họ và lợi nhuận, đầu tư BĐS lợi nhuận từ 10-20-30% là bình thường, do vậy vẫn ổn định được khoản đầu tư của họ nên có thể thấy nhiều người quay sang đầu tư lâu dài với BĐS.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam.

Chúng ta thấy rằng thị trường BĐS Việt Nam đang thiết lập mức giá khá cao so với trước, ông nhận định như thế nào về khả năng sinh lời đối với kênh đầu tư này?

TS. Sử Ngọc Khương: Thứ nhất, với nền kinh tế nước ta, tốc độ phát triển của nền kinh tế là ổn định, trong đại dịch Covid-19, các nền kinh tế của quốc gia khác là âm, nhưng chúng ta dương. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam là 6,5-7%, như vậy có thể khẳng định nền kinh tế phát triển ổn định.

Thứ hai là tốc độ đô thị hoá các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM,  Nha Trang, mặc dù chưa bằng thế giới nhưng tốc độ đô thị hoá đang diễn ra khá nhanh, cơ sở hạ tầng, kinh tế chưa đáp ứng được tốc độ đầu tư, dẫn đến giá trị đất đai gia tăng, đây là câu chuyện dẫn đến giá trị đất tăng cao trong thời gian qua. Các nước trong khu vực và thế giới những năm vừa qua như Mỹ, gía trị BĐS cũng tăng rất nhiều. Việt Nam cũng không thể tránh khỏi, đây là điều bình thường ở các đô thị lớn, nơi mà có tốc độ đô thị hoá cao, công ăn việc làm nhiều, nhu cầu nhà ở, đất đai cho các khu công nghiệp, không dân cư không ngừng gia tăng, đây là tốc độ phát triển bình thường. Việt Nam là nước đang phát triển thì điều này cũng không quá ngạc nhiên trong việc giá đất tăng cao so với thu nhập bình quân đầu người.

Không chỉ Việt Nam, các nước trong khu vực Châu Á, BĐS luôn được xem là kênh có biên độ sinh lời khá ổn định. Đối với các nhà đầu tư an toàn thì BĐS luôn là kênh mà họ chọn đầu tư.

Ông có thể đưa ra những khuyến nghị như thế nào với nhà đầu tư trong bối cảnh này?

TS. Sử Ngọc Khương: Hiện nay, áp lực lạm phát, công việc, nhiều yếu tố chúng ta khó có thể nhận định được như xung đột Nga – UK tác động tới thế giới và Việt Nam.

Đối với người mua để ở, để sử dụng thì tôi cho rằng cần cân nhắc đòn bảy tài chỉnh để đảm bảo công việc của chúng ta đủ để trả gốc lãi. Đối với nhà đầu tư lướt sóng phải hết sức thận trọng khi mà thanh khoản đang thấp, do giá cao, do nguồn cung trên thị trường hạn chế. Như vậy các nhà đầu tư cần cân nhắc sức chịu đựng của mình, để cân nhắc việc đầu tư lướt sóng, nếu như trước đây thì lướt sóng nhanh hơn, giờ thì sẽ dài hạn hơn, do đó mọi người cần cân nhắc việc thu - chi cũng như kỳ vọng về lợi nhuận.

Xin cảm ơn ông!

Trúc Mai (thực hiện)