Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,38%, vượt qua ngưỡng chủ chốt 4.500 điểm, chốt ở mức 4.514,87 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 0,11%, chốt ở 34.890,24 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,54%, đạt 14.019,31 điểm.

Với 4 phiên tăng liên tiếp, mức giảm của S&P 500 từ đầu tháng đến nay thu hẹp còn 1,6%.

Cổ phiếu công nghệ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt thị trường, nhờ mức tăng gần 1% của cổ phiếu hãng sản xuất con chip Nvidia. Cổ phiếu Apple tăng khoảng 2%, một ngày sau khi công ty gửi đi lời mời tham dự sự kiện được cho là sẽ trình làng chiếc điện thoại thế hệ tiếp theo iPhone 15.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 9 nhóm tăng phiên này, với mức tăng mạnh nhất 0,83% thuộc về nhóm công nghệ. Tăng mạnh thứ hai là nhóm năng lượng với mức tăng 0,51%.

Phiên tăng này của cổ phiếu ở Phố Wall diễn ra ngay cả khi giới đầu tư đón nhận những thông tin kém khả quan về kinh tế Mỹ. Báo cáo hàng tháng của công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho thấy khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ tạo được 177.000 công việc mới trong tháng 8, ít hơn nhiều so với con số 371.000 công việc mới của tháng 7 và không đạt dự báo 200.000 công việc mới mà giới chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Cùng với đó, Bộ Thương mại Mỹ điều chỉnh giảm số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 so với lần công bố đầu tiên. Theo đó, mức tăng trưởng quý 2 của kinh tế Mỹ là 2,1% thay vì 2,4% như báo cáo trước.

Đây là một phiên giao dịch nữa mà nhà đầu tư xem tin xấu về kinh tế Mỹ là tin tốt cho giá cổ phiếu. Hôm thứ Ba, thị trường cũng tăng điểm khi đón nhận số liệu ảm đạm về niềm tin tiêu dùng và số lượng công việc cần tuyển dụng trong nền kinh tế. Đó là bởi những số liệu này, cùng với các báo cáo của ngày thứ Tư, được nhà đầu tư xem như cơ sở để tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có thể kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hoặc sẽ không phải giữ lãi suất “cao hơn lâu hơn”.

Cổ phiếu VinFast có phiên giảm thứ hai liên tiếp, nhưng với tốc độ giảm đã được hãm lại so với phiên trước. Lúc đóng cửa, mã VFS niêm yết trên sàn Nasdaq giảm 4,98 USD/cổ phiếu, tương đương giảm 10,77%, còn 41,27 USD/cổ phiếu.

Giá trị vốn hóa thị trường của hãng xe điện Việt Nam giảm còn hơn 95,8 tỷ USD, sau khi lập đỉnh ở mức hơn 191 tỷ USD vào hôm thứ Hai tuần này. Hôm thứ Ba, cổ phiếu VinFast giảm gần 44%, khiến vốn hoá giảm 83,8 tỷ USD.

Trong một diễn biến khác, tạp chí Forbes đã mạnh tay đánh tụt ước tính giá trị tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng - nhà sáng lập và là người nắm giữ đại đa số cổ phiếu VinFast. Theo đó, Forbes cho rằng khối tài sản ròng của ông Vượng hiện đạt 6,7 tỷ USD, giảm 32,3 tỷ USD chỉ sau một ngày. Với ước tính tài sản này, có vẻ như Forbes không còn tính giá trị cổ phần mà ông Vượng nắm giữ trong VinFast theo thị giá cổ phiếu của công ty này niêm yết ở Mỹ.

Hiện ông Vượng đang xếp thứ 396 trong danh sách tỷ phú của Forbes, giảm 366 bậc so với hôm thứ Ba. Ở mức đỉnh vào hôm thứ Hai, Forbes ước tính ông Vượng có 66 tỷ USD tài sản ròng và xếp ông ở vị trí giàu thứ 16 trên thế giới.

Thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,37 USD/thùng, chốt ở mức 85,86 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,47 USD/thùng, chốt ở 81,63 USD/thùng.

Dầu tăng giá sau khi báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 10,6 triệu thùng trong tuần trước, còn 422,9 triệu thùng. Mức giảm này lớn hơn nhiều so với mức giảm 3,3 triệu thùng mà các chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, một dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu ở Mỹ đang thắt lại.

Đức Anh