Trong phiên hôm qua, sau những phút đầu tăng điểm nhẹ, chỉ số VN-Index đã lao dốc và thủng mốc 1.250 điểm và tiếp tục trượt dài về cuối phiên khi áp lực bán tiếp tục gia tăng và lan rộng thị trường.
Chỉ số khép lại phiên giao dịch đánh rơi hơn 12 điểm và lùi về vùng giá thấp nhất ngày, đồng thời cũng là mốc thấp nhất trong vòng 1 tháng qua, với thanh khoản chưa tới 13.500 tỷ đồng.
Những lo ngại về việc chỉ số có thể dò đáy tại các vùng hỗ trợ sâu hơn, điển hình là 1.225 điểm đang ngày càng hiện hữu hơn.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 17/9, thị trường vẫn khá ảm đạm khi bảng điện tử phân hóa cao và dòng tiền yếu, chỉ số VN-Index giằng co nhẹ phần lớn ở ngay trên tham chiếu chỉ nhờ vào số mã bluechip tăng đang tỏ ra vượt trội hơn so với những mã giảm, nhưng biên độ giá gần như chỉ ghi nhận sự thay đổi nhỏ.
Trong khi đó, các mã vừa và nhỏ cũng hoạt động yếu, ngoại trừ một vài cổ phiếu như AGM trên HOSE, hai mã KSQ, CMS trên HNX đã chạm giá trần, dù thanh khoản không quá cao, cùng cổ phiếu DFF trên UpCoM nhích hơn 9% và khớp lệnh đứng thứ hai chỉ sau BSR với hơn 0,45 triệu đơn vị.
Đáng kể khác là cổ phiếu NVL, khi đang chịu áp lực bán gia tăng và đánh rơi 4%, với khối lượng khớp lệnh vượt trội trên HOSE khi có hơn 8 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch.
Giao dịch trong nửa sau của phiên vẫn là sự phân hóa trên bảng điện tử, nhà đầu tư đứng ngoài khiến thanh khoản dừng lại ở mức thấp, còn VN-Index có thêm một nhịp giằng co nhẹ quanh tham chiếu và tạm kết phiên trong sắc xanh nhạt.
Chốt phiên, sàn HOSE có 146 mã tăng và 197 mã giảm, VN-Index tăng 1,08 điểm (+0,09%), lên 1.240,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 221,6 triệu đơn vị, giá trị 4.784 tỷ đồng, giảm hơn 14% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 42,2 triệu đơn vị, giá trị 898 tỷ đồng.
Các bluechip phân hóa mạnh, trong đó có 13 mã tăng với chỉ VHM là đáng kể khi nhích 2,2% lên 42.650 đồng, cổ phiếu liên quan là VRE nhích hơn 1%, còn lại đều tăng điểm không đáng kể.
Trong khi đó, loạt cổ phiếu giảm điểm cũng chỉ giảm điểm nhẹ như BID, BVH, MWG, CTG, PLX, cùng hàng loạt mã về tham chiếu với đa phần là các cổ phiếu ngân hàng ACB, HDB, SHB, TCB, TPB, VCB, VIB.
Các mã vừa và nhỏ cũng trầm lắng, ngoại trừ một vài cái tên như AGM tăng trần lên 4.230 đồng, nhưng khớp chỉ 0,11 triệu đơn vị và IMP cũng có được sắc tím +7% lên 49.750 đồng, khớp gần 0,4 triệu đơn vị trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 1:1.
Ở chiều ngược lại, các mã giảm đáng chú ý có SMC -6,2% xuống 8.380 đồng, TCD -5% xuống 5.700 đồng, TDH -4,44% xuống 2.800 đồng, SGR -4% xuống 47.300 đồng, DLG -3,3% xuống 1.780 đồng.
Cổ phiếu NVL thu hẹp đà giảm, nhưng vẫn giảm hơn 3% xuống 10.850 đồng, khớp lệnh dẫn đầu sàn với hơn 17,2 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đảo chiều giảm nhẹ về dưới tham chiếu sau nửa đầu phiên cầm cự sắc xanh.
Chốt phiên, sàn HNX có 54 mã tăng và 71 mã giảm, HNX-Index giảm 0,74 điểm (-0,32%), xuống 230,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19 triệu đơn vị, giá trị 408,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,37 triệu đơn vị, giá trị 65,7 tỷ đồng.
Phần lớn các mã lớn, hoặc thanh khoản cao ít biến động, như SHS, MBS, BVS, VHE, VTZ, API, AAV tăng nhẹ, trong khi TNG, PVS, LAS, TIG giảm nhẹ, còn CEO, NRC, IDJ, IDC đứng tham chiếu, khớp từ 0,31 triệu đến 2,67 triệu đơn vị.
Nhưng hai cổ phiếu đáng chú ý là NTP khi giảm mạnh -9% xuống 63.700 đồng, khớp 1,8 triệu đơn vị và ở chiều ngược lại là KSQ tăng trần +9,7% lên 3.400 đồng, khớp 0,7 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, nhiều cổ phiếu đảo chiều giảm cũng đã khiến UpCoM-Index yếu đà và lùi về dưới tham chiếu trong những phút cuối.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,02%), xuống 92,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,7 triệu đơn vị, giá trị 125,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,86 triệu đơn vị, giá trị 119,6 6 tỷ đồng.
Cổ phiếu thu hút nhà đầu tư nhất vẫn là mã nhỏ DFF khi tăng 9,1% lên 2.400 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai trên UpCoM với 0,66 triệu đơn vị.
Hà Trần (t/h)