Chứng khoán Việt Nam năm 2023 có nhiều điểm tựa để phát triển
Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ do Báo đầu tư tổ chức, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư VinaCapital cho rằng, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn đối diện nhiều thách thức khi bị ảnh hưởng gián tiếp qua việc xuất khẩu bị chậm lại và tình trạng thất nghiệp tăng lên. Tốc độ tăng trưởng bán lẻ cũng sẽ chậm lại so với sự hồi phục từ mức thấp trong năm 2022 (tăng trưởng trên nền thấp 2021).
Mặt khác, một rủi ro cần chú ý là áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp BĐS ở mức cao, lên đến 7,2 tỷ USD. Điều này làm ảnh hưởng phần nào đến bức tranh lợi nhuận của 02 ngành lớn của TTCK là BĐS và ngân hàng.
Hiện tại, nhiều tổ chức dự báo bức tranh tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ hạ nhiệt trong năm 2023. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng đây không phải là tâm điểm của TTCK 2023. Thay vào đó, giới đầu tư đang chú ý một số yếu tố hỗ trợ.
Thứ nhất, kỳ vọng giải ngân đầu tư công. Cùng với quyết tâm của Chính Phủ và tiến độ cho các dự án trọng điểm, tốc độ giải ngân đầu tư công năm 2023 dự báo sẽ tăng trưởng so với 2022. Qua đó cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời áp lực chi phí xây dựng sẽ giảm đáng kể.
Thứ hai, Trung Quốc mở cửa nền kinh tế. Hiện tại, vẫn chưa có thời điểm cụ thể về việc Trung Quốc chính thức mở cửa kinh tế. Tuy nhiên, động thái về sự nới lỏng các quy định về giãn cách cũng cho thấy sự thay đổi trong chiến lược của quốc gia này. Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu, du lịch, nguyên vật liệu,….
Thứ ba, tỷ giá và lãi suất hạ nhiệt. Điều này giúp một số doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn và thanh khoản sẽ bớt áp lực hơn 2022.
Thứ tư, xuất khẩu sang Mỹ/EU có thể phục hồi trong nửa cuối 2023, lợi nhuận tăng trưởng so với mức nền thấp trong 2022 khi xuất khẩu đã chậm lại. Ngoài ra, một số yếu tố như chi phi vận chuyển giảm, giá xăng dầu và hàng hóa giảm từ đỉnh, và ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng không còn trọng yếu, cũng góp phần hỗ trợ lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc trong năm 2023
Mặc dù vẫn chịu tác động từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu, nhất là sức ép từ lãi suất tăng, tuy nhiên, thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2023 dự báo sẽ vẫn tăng trưởng so với chỉ số hiện nay. TTCK Việt Nam vẫn được định giá hấp dẫn so với tương quan khu vực, đồng thời tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ tăng trưởng kinh tế vĩ mô và lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết.
Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), năm 2023 đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục, dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại so với nửa cuối năm 2022. Vì thế, năm 2023, TTCK Việt Nam nhiều khả năng sẽ có xu hướng dao động đi ngang trong biên độ lớn.
“VN-Index trong năm 2023 sẽ dao động trong vùng điểm số khoảng 900 - 1.200 điểm, với mức cao nhất của chỉ số có thể lên đến 1.250 điểm - tương đương giảm gần 18% so với mức đỉnh của năm 2022”, chuyên gia của VCBS dự báo.
Còn theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), năm 2023 cả nền kinh tế, cũng như TTCK sẽ có hai nửa diễn biến tương đối khác nhau.
“Trong những tháng đầu năm 2023, thị trường tăng phần lớn do định giá các tài sản hấp dẫn, song đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó. Tuy nhiên, chúng tôi tự tin hơn từ giữa 2023 và kỳ vọng đà tăng sẽ vững chãi hơn”, ông Đinh Quang Hinh cho hay.
Chuyên gia của VNDIRECT cũng dự báo, VN-Index sẽ quay trở lại mức 1.300 - 1.350 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12 - 12,5 lần.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cho rằng, các yếu tố nội tại của TTCK gần đây xuất phát từ bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản (BĐS). Hai thị trường này có mối liên hệ khá chặt với hệ thống ngân hàng nên đã có tác động khá lớn đến nền kinh tế.
Trong năm 2023, lãi suất có khả năng hạ nhiệt, song cần chờ thêm mức lãi suất đó hạ có đủ hấp dẫn kích thích nhu cầu trên thị trường BĐS hay không.
Và việc đáo hạn trái phiếu tạo ra các áp lực trong năm 2023, do đó, cần chờ dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được thông qua giúp giảm nhẹ những áp lực này.
“Những yếu tố nội tại của TTCK năm 2023 sẽ “dễ thở” hơn năm 2022 vì chính sách sẽ đi vào thực tế nhiều hơn. Chẳng hạn như sửa đổi Nghị định 65 sẽ thông qua, lãi suất có thể sẽ đảo chiều, đà tăng chậm dần và đảo chiều giảm, tỷ giá ổn định và giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn. Đó là những yếu tố hỗ trợ cho thị trường”, bà Phương phân tích.
Trong kịch bản tích cực của SSI Research, thị trường vẫn có khả năng tăng trưởng từ 5 - 10% trong năm 2023, song, thị trường có thể vẫn “gập ghềnh” trong quá trình đi lên. Do đó, bà Hoàng Việt Phương cho rằng, đối với TTCK năm 2023 nên có tư duy phân chia giữa đầu tư dài hạn và ngắn hạn. Với đầu tư dài hạn, có thể nhìn thấy rất nhiều cơ hội trong thời điểm hiện tại, có những doanh nghiệp đầu ngành nhà đầu tư chỉ có thể mua được ở thời điểm này với mức giá khá thấp, do đó, chỉ cần chọn thời điểm thích hợp để mua vào dần dần trong khoảng 06 tháng sắp tới.
“Đối với đầu tư ngắn hạn sẽ khó hơn nhiều vì năm 2023 vẫn sẽ là một năm gập ghềnh, có thể có những đợt lên xuống do những rủi ro của thị trường vẫn còn. Nhìn dài hạn, năm 2023 là một năm đầy cơ hội khi những khó khăn của thị trường đã được phản ánh vào định giá.
Nhà đầu tư cần chờ thời điểm chính sách đi vào thực tế, giúp tất cả những rủi ro như lãi suất sẽ hạ nhiệt, các vấn đề trên thị trường BĐS, thị trường trái phiếu được tháo gỡ, khi đó TTCK chắc chắn sẽ phản ánh và đi trước tất cả các yếu tố đó”, chuyên gia của SSI Research khuyến nghị.
Lê Pháp (t/h)