Trên 35.000 tỷ đồng cho vay phát triển thủy sản

Việt Nam là quốc gia nằm ven Biển Đông, với bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam và hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn một triệu km2, với 28 tỉnh, thành phố ven biển. Nhờ vậy, Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển bền vững kinh tế biển. Trong những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức đáng khích lệ, nhất là sau khi triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam.

Chung tay phát triển bền vững kinh tế biển - Hình 1

 Agribank là NHTM tiên phong, chủ lực triển khai chính sách phát triển thủy sản

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải cơ bản được bảo đảm; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được triển khai chủ động, toàn diện.

Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện. Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được chú trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu lực, hiệu quả…

Là NHTM 100% vốn Nhà nước, trong nhiều năm qua, Agribank luôn tiên phong triển khai đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chính sách phát triển thủy sản. Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay phát triển kinh tế biển, tại thời điểm 31/12/2018, dư nợ cho vay phát triển thủy sản của Agribank đạt trên 35.000 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ cho 12.000 tàu xa bờ vươn khơi bám biển, đầu tư hỗ trợ người dân ven biển nuôi trồng thủy sản...

Chỉ tính riêng chương trình tín dụng theo Nghị định 67 (nay là Nghị định 17/2018/NĐ-CP) về chính sách phát triển thủy sản, Agribank triển khai đạt gần 6.000 tỷ đồng. Nhiều đội tàu công suất lớn hiện đại trên cả nước được hình thành từ nguồn vốn này. Đến nay, Agribank đã cho vay 622 tàu đóng mới nâng cấp theo Nghị định 67 trên địa bàn 27 tỉnh ven biển, trong đó: 424 tàu đóng mới khai thác hải sản; 105 tàu đóng mới dịch vụ hậu cần; 93 tàu nâng cấp đóng mới. 

Tại thời điểm Nghị định số 67 của Chính phủ có hiệu lực, Agribank đã ngay lập tức phối hợp Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, cùng Ngân hàng Nhà nước “vào cuộc”, triển khai đồng bộ các giải pháp. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, toàn hệ thống Agribank tích cực “vào cuộc”, tham gia các đoàn công tác của NHNN trong các chuyến đi về vùng biển, tiếp xúc lắng nghe ý kiến của ngư dân, tham gia các hội nghị có liên quan của NHNN tổ chức để nắm bắt, lĩnh hội các ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương…

Các chi nhánh của Agribank trong hệ thống với ưu thế mạng lưới phủ sóng xuống tận xã, phường, thị trấn, cán bộ tín dụng bám sát địa bàn, đã gặp gỡ trực tiếp với những ngư dân có nhu cầu vay vốn, hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục. Chi nhánh Agribank ở các địa phương giáp biển đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và tiếp cận với khách hàng có nhu cầu vay vốn đóng tàu để tư vấn các quy định của Agribank. 

Chung tay phát triển bền vững kinh tế biển - Hình 2

Agribank triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa vì biển đảo quê hương

Từ tiên phong, nghiêm túc triển khai chủ trương của Đảng về chiến lược biển Việt Nam và chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, Agribank cùng hệ thống chính trị đã tạo nên “điểm tựa” vững chắc, tạo điều kiện, mở ra cơ hội thuận lợi để ngư dân cả nước đầu tư, nâng cấp tàu cá công suất lớn cùng với thiết bị công nghệ hiện đại, có đủ năng lực vươn ra khơi xa đánh bắt thủy sản, làm giàu từ biển, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo thống kê mới nhất, 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 3.780 nghìn tấn, ngành thủy sản tăng trưởng cao nhất trong 9 năm trở lại đây và là “điểm sáng” của khu vực nông nghiệp khi tăng trưởng khá ở mức 6,45%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 4 tỷ USD, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển

Với quyết tâm cùng cả hệ thống chính trị triển khai thành công Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước.

Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển…; Thực hiện nhiệm vụ chính trị của NHTM Nhà nước, Agribank sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách phát triển thủy sản, cùng các Bộ, ngành, địa phương, ngư dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển và vươn ra các vùng đảo của quốc gia.

Chung tay phát triển bền vững kinh tế biển - Hình 3

Thông qua triển khai nhiều hoạt động thiết thực, Agribank mong muốn đưa Việt Nam trở thành Quốc gia mạnh về biển đảo

Agribank cũng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách tín dụng xanh, cũng như dành nguồn lực phù hợp để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường biển, qua đó góp phần phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, một mục tiêu quan trọng của Chiến lược biển Việt Nam.

Bên cạnh tiên phong, chủ lực cho vay phát triển thủy sản, toàn hệ thống Agribank triển khai nhiều hoạt động hướng về biển đảo quê hương. Đến nay, Agribank là Ngân hàng duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo: Cô Tô, Cát Bà, Cát Hải, Vân Đồn, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc và Kiên Hải.

Trong nhiều năm qua, Agribank triển khai nhiều chương trình, hoạt động vì biển đảo quê hương. Gần 40.000 cán bộ, nhân viên toàn hệ thống tích cực tham gia ủng hộ hàng chục tỷ đồng thông qua các chương trình "Cả nước vì Trường Sa", "Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa", "Ngân hàng Việt Nam với Trường Sa thân yêu", "Vì Trường Sa thân yêu"… Tham gia các đoàn công tác của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Quân chủng Hải quân tổ chức thăm, động viên, giao lưu và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ, và nhân dân tại các đảo, điểm đảo và Nhà giàn; ủng hộ kinh phí tặng xe bán tải đảo Sinh Tồn, xây dựng Nhà văn hóa đa năng trên đảo Cô Lin- công trình mang tính lưỡng dụng, vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội, xây dựng và bảo vệ đảo lâu dài, mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan, vừa là nơi tiếp tế, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, phối hợp nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển khu vực quần đảo Trường Sa…

Mới đây, tại chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” do Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình tổ chức, Agribank đã đã trao tặng 150 tủ thuốc cho ngư dân 5 tỉnh, thể hiện mong muốn đồng hành cùng ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, bám ngư trường khai thác thủy sản, phát triển kinh tế.

Viết Chung