Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh tặng hoa chúc mừng phi công Charles John Fogarty điều khiển máy bay đầu tiên hạ cánh tại cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
10h sáng 11/7, chuyến bay hiệu chỉnh đầu tiên xuất phát từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã hạ cánh xuống cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Trên máy bay hiệu chỉnh có đầy đủ các thiết bị chuyên dụng để kiểm tra chất lượng của sân bay, đánh giá đúng tiêu chuẩn của cảng hàng không quốc tế. Chủ đầu tư cũng dự kiến sẽ thực hiện các chuyến bay hiệu chỉnh tại cảng hàng không quốc tế Vân Đồn trong khoảng 1 tuần.
Sau hơn 2 năm thi công, cảng hàng không quốc tế đầu tiên trong cả nước do tư nhân đầu tư đã hoàn thành, sẵn sàng đón chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2018.
Tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt xác định cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một trong 10 cảng hàng không quốc tế của mạng lưới cảng hàng không dân dụng cả nước, cũng là sân bay quân sự trong hướng chiến lược miền Bắc.
Bộ GTVT cũng đã quyết định điều chỉnh quy hoạch, xây dựng cảng hàng không Quảng Ninh thành cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh
Trong đó, đã có sự điều chỉnh cụ thể về các hạng mục đầu tư của cảng, gồm: Đường băng kéo dài từ 3km lên 3,6km; xây dựng bổ sung 2 sân quay đầu, đường lăn nối với sân đỗ và đường lăn thoát nhanh; nhà ga điều chỉnh nâng công suất từ 2 triệu lên 2,5 triệu hành khách/năm, diện tích nhà ga mở rộng, vị trí đỗ tối thiểu được 6 máy bay… Đến năm 2030, sẽ hoàn thành đường lăn song song với đường băng, hoàn chỉnh đơn nguyên còn lại của nhà ga, nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm, vị trí đỗ tối thiểu lên 12 máy bay…
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có các công trình phụ trợ: Khu nhà điều hành trên khu đất rộng 6.000 m2, đài kiểm soát lưu không trên khu đất diện tích 6.270 m2, hệ thống đường dẫn, vườn khí tượng và hệ thống quan trắc khí tượng tự động. Khu phục vụ mặt đất gồm nhà ga gồm 2 modul độc lập.
Nhà ga hàng hóa, giai đoạn năm 2020 bố trí khu xử lý hàng hóa trong nhà ga hành khách; đến năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga hàng hóa đáp ứng công suất tối thiểu 51.000 tấn hàng hóa/năm. Ngoài ra, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn còn có hệ thống đường giao thông, các khu chức năng khác. Tổng diện tích đất sử dụng của cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến năm 2020 hơn 326 ha.
Cùng với việc kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách làm cảng hàng không, tỉnh Quảng Ninh cũng đã vận dụng hình thức đầu tư PPP để hoàn thành tuyến cao tốc nối từ TP. Hạ Long đến Vân Đồn và nối dài đến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tới đây sẽ tiếp tục đầu tư tuyến cao tốc mới đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Việc cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đón chuyến bay đầu tiên, khẳng định cách làm mới mở đầu cho giai đoạn đầu tư giao thông hàng không tại Việt Nam từ đầu tư tư nhân, giúp Quảng Ninh cất cánh trong tiến trình hội nhập kinh tế của khu vực và thế giới.
Bảo Ngọc