Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 03 khó khăn chính ngăn doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số là: Chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số (chiếm 60,1%); Thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh (52,3%) và Thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số (52,3%).
Ông Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam cho biết, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025–2030 và Chiến lược quốc gia phát triển Kinh tế số - Xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, đã đặt ra những chỉ tiêu rất rõ ràng như về xếp hạng đổi mới chuyển đổi số toàn cầu, đến năm 2025 Việt Nam phải đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, đến 2030 phải nằm trong nhóm 40 nước dẫn đầu trên thế giới, hạ tầng phát triển Internet băng thông rộng phải phủ 100% đến các xã vào năm 2025, đến 2030 thì mạng 5G phủ sóng toàn quốc.
Trong đó, kinh tế số chiếm 20% GDP và 30% GDP vào năm 2030. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tham gia vào nền tảng số đến 2025 phải đạt trên 50%, đến 2030 thì đạt trên 70% SMEs toàn quốc.
Như vậy, với lộ trình này, đòi hỏi các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải "bước nhanh" hơn để không tụt lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số.
Tại hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ” nằm trong trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa - DNNVV” (LinkSME), Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC – VCCI) - bà Nguyễn Thị Tuyết Minh nhận định chuyển đổi số đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Theo bà Linda Percy - Quyền Phó Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID Việt Nam), mặc dù chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhưng các DNNVV do nữ làm chủ ở Việt Nam phải đối mặt với những thách thức không nhỏ để áp dụng các công nghệ đổi mới này, ví dụ như thiếu kiến thức và chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi số.
Minh An (T/h)