Theo một thống kê gần đây của Ngân hàng nhà nước, có 42% các ngân hàng ở Việt Nam coi ngân hàng số là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của họ, 94% các ngân hàng ở Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực này ở các mức độ khác nhau.

Chuyển đổi số khiến người dân không còn mặn mà giao dịch tiền mặtChuyển đổi số khiến người dân không còn mặn mà giao dịch tiền mặt. Ảnh minh họa

Bùng nổ ngân hàng số

Theo ông Ngô Quang Trung, Tổng Giám đốc VietCapital Bank, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai đối với các ngân hàng. Trong kế hoạch phát triển sắp tới, ngân hàng định hướng sẽ là đơn vị cung cấp nền tảng và dịch vụ ngân hàng cho các đối tác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), nhằm tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng, dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ số và thực tiễn ngân hàng truyền thống.

Không chỉ riêng VietCapital Bank, SeABank cũng tích cực triển khai chuyển đổi số trong nhiều năm. Gần đây nhất, ngân hàng đã cho ra mắt SeAMobile - ứng dụng ngân hàng điện tử dành cho khách hàng cá nhân với nhiều tính năng ưu việt như chuyển tiền không cần nhớ số tài khoản, chăm sóc sức khỏe tài chính…

TPBank, LienVietPostBank… đã cho ra mắt ứng dụng Livebank với nhiều sản phẩm hiện đại, OCB ra mắt ứng dụng OCB Omni…

Ngoài ra, các ngân hàng cũng cũng thực hiện kết nối thành công với các ví điện tử như: VNPT Pay, Vietel Pay, Samsung Pay… để tạo một hệ sinh thái đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Những tiện ích mà ngân hàng số mang lại khiến tỷ lệ người dân quay lưng lại với tiền mặt ngày càng tăng. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “thói quen tiêu dùng của người Việt đang dần thay đổi khi những đồng tiền mặt đang dần được thế chỗ bằng những tấm thẻ ngân hàng hay ví điện tử. Thanh toán không tiền mặt mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia: người tiêu dùng, người bán hàng, tổ chức tín dụng. Khi người tiêu dùng duy trì thường xuyên thói quen thanh toán này, cả nền kinh tế vĩ mô sẽ được hưởng lợi theo”. 

Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, tổng giá trị giao dịch chuyển mạch ATM (rút tiền mặt) cỉ chiếm 5,4% tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống này. Trong khi đó, tỷ trọng về giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 qua hệ thống NAPAS đã tăng 11 lần, từ 6,3% vào năm 2015 lên 93,5% vào năm 2020.

Theo số liệu khảo sát thanh toán người tiêu dùng Việt Nam gần đây do Visa thực hiện, hiện có 37% người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc. Đối với nhóm sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc, 85% người cho rằng họ thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán này với tần suất ít nhất một lần một tuần.

Bán điện thoại thông minh giá 600.000 cho người dân vùng sâu

Theo các chuyên gia, năm nay, thị trường tài chính ngân hàng nói chung và lĩnh vực thanh toán nói riêng chịu nhiều thách thức, tác động lớn do ảnh hưởng từ diễn biến bất thường của thiên tai và đại dịch Covid-19, tuy nhiên đây cũng là cơ hội để các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank đánh giá, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi thói quen thanh toán của nhiều người và thúc đẩy sự phát triển của các phương thức thanh toán không tiền mặt nhanh hơn. Từ chỗ đến tận nơi để mua sắm, khách hàng chuyển qua thanh toán online qua ngân hàng điện tử, qua thẻ hoặc ví điện tử.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ đã có chiến lược đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt và việc tăng cường truyền thông về những lợi ích của các phương thức thanh toán mới cũng góp phần thay đổi hành vi của người dùng, từ việc “nghe” nhiều người “dùng thử” và ngày càng thấy được hàng loạt tiện ích mà phương thức thanh toán này mang lại. 

Trước dịch, việc đặt hàng online dù diễn ra khá phổ biến, nhưng người dùng vẫn chủ yếu trả bằng tiền mặt. Nhưng sau dịch, thói quen tiêu dùng mới đã được tạo ra và tôi cho rằng, xu hướng này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới bởi hàng loạt lợi ích như tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, đồng thời được hưởng nhiều hơn các khuyến mãi, ưu đãi từ ngân hàng, ví điện tử.

Mặc dù, quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng tỷ lệ người dùng thanh toán không dùng tiền mặt chủ yếu ở các tỉnh, thành phố, trong khi phương thức thanh toán này chưa đến được người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Mới đây, tại phiên chất vấn Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo phải phủ sóng 3G, 4G tại các vùng sâu, vùng xa để có thể truy cập Internet. Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ thí điểm Mobile money, qua đó người dân vùng sâu, vùng xa có thể thanh toán điện tử.

"Bà con những khu vực này gặp khó khăn là không có điện thoại thông minh. Hiện nay đã có chương trình hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà mạng Việt Nam để hỗ trợ, bán điện thoại thông minh giá từ 600 - 700.000 đồng", Bộ trưởng Hùng nói.

                                                                                                            Cao Huyền