Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Chuyển đổi số nông nghiệp: Tăng tốc để bắt kịp tăng trưởng xanh

Có thể khẳng định, chuyển đổi số “là một xu hướng tất yếu để hiện đại hoá ngành nông nghiệp, công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao năng suất và giá trị nông sản”...

Trứng gia cầm được Công ty Vietnam Agroresources phân loại, khử trùng trước khi đưa ra thị trường

Cùng với các ngành, các địa phương trong cả nước, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đang tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Đề án chuyển đổi số. Đó chính là quá trình thay đổi mô hình sản xuất lấy công nghệ làm nền tảng, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất đem lại giá trị cao.

Từ trồng trọt...

Những năm gần đây, Tây Ninh đã chuyển hướng mạnh mẽ từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp giá trị cao. Đặc biệt, nhờ áp dụng công nghệ sản xuất mới vào mô hình canh tác, sản phẩm nông nghiệp ngày một tăng về giá trị.

Năm 2023, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có tốc độ tăng trưởng đạt 3%, tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2020 đến nay, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; các chính sách hỗ trợ cho nông dân về chi phí xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới công nghệ mới, tưới tiêu tự động, cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phát triển nền tảng dữ liệu số… được tích cực triển khai.

Công ty TNHH MTV Nông sản Hoàng Xuân (phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh Tây Ninh đi đầu trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Cụ thể, từ năm 2012, công ty đã xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt nhà màng bằng công nghệ mới vào quá trình trồng dưa lưới.

Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong một chuyến tham quan HTX Nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Quá trình sản xuất ở đây được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Khi áp dụng phương pháp này, dưa được trồng trong nhà màng, có lưới ngăn côn trùng, có mái bằng vải nhựa che mưa gió. Mỗi cây đều được trồng trong một bầu giá thể tơi xốp, nhiều dinh dưỡng và được lót bạt cao su cách ly với nền đất. Việc bón phân kết hợp với tưới nước được dẫn đến tận gốc theo đúng mức độ yêu cầu, tạo điều kiện tốt nhất cho cây phát triển.

Ngoài tác dụng cung cấp nước sạch cho cây, tưới nước theo phương pháp này sẽ giúp chủ động phân phối đều dinh dưỡng được hoà tan cùng nước tưới, đồng thời có thể tiết kiệm một lượng nước, phân bón khá lớn. Doanh nghiệp cũng hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng lên nông sản.

Anh Trần Hữu Vũ - cán bộ quản lý Công ty TNHH MTV Nông sản Hoàng Xuân cho biết:

“Khi áp dụng trồng trọt bằng nhà màng giúp công ty giảm được tình trạng sâu bệnh trên cây trồng do sâu bệnh không vô được nhà màng, đồng thời chúng tôi cũng tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, nhất là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào tất cả quá trình trồng trọt, chăm sóc.

Hệ thống tưới nước tự động giúp chúng tôi tiết kiệm được 35% nước tưới và phân bón thất thoát khi đầu tư, năng suất cây trồng tăng đáng kể, lợi nhuận cao gấp 5 đến 6 lần so với mặt hàng nông sản khác”.

Dưa lưới được trồng trong nhà màng giúp tăng năng suất cây trồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) có 30 thành viên, trong đó có 4 doanh nghiệp, 26 nông hộ với 100 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hơn 500 ha liên kết với nông dân trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn sạch.

Để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, trong quá trình canh tác, các diện tích trồng mãng cầu đều được nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, điển hình là ứng dụng phương pháp tưới tiết kiệm, cung cấp nước cho cây trồng thông qua các thiết bị tưới tự động, bao trái, sử dụng chế phẩm sinh học thay cho phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, HTX đã cung cấp mãng cầu cho nhiều thị trường trong nước như các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc.

Chị Lê Hồng Nở - Trưởng phòng Kinh doanh của HTX Minh Trung cho biết, thành viên HTX và nông dân liên kết với HTX đều thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nghĩa là việc sản xuất sẽ được bao trái, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ mà sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học.

Bên cạnh đó, người dân cũng sử dụng công nghệ tưới nước tự động, vừa tiết kiệm nước vừa bảo đảm độ ẩm phù hợp cho cây trồng. Nhờ vậy mà đầu ra của mãng cầu khá ổn định.

... đến chăn nuôi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, ước tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 10,2 triệu con, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Trong đó, phát triển mạnh đàn heo với 297.000 con (tăng 28,5% so cùng kỳ) và đàn gia cầm với trên 9,5 triệu con (tăng 5,6% so cùng kỳ), sản lượng thịt heo đạt 51.000 tấn, sản lượng thịt gia cầm đạt 58.000 tấn, sản lượng trứng đạt 780 triệu quả. Tỷ lệ chăn nuôi tập trung chiếm 87% (tăng 8% so cùng kỳ). Trong đó, nhiều trang trại đã tích cực trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi.

Trang trại chăn nuôi gà của Công ty TNHH hai thành viên Ba Nguyên tại huyện Châu Thành - là một trong những đơn vị tích cực trong công tác thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi trang trại, trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, thực hiện các bước tự động hoá ghi chép, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, khai thác nguồn năng lượng tự nhiên, giảm thiểu sử dụng năng lượng truyền thống và góp phần chống biến đổi khí hậu; đồng thời, thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường đạt hiệu quả tốt.

Bà Trần Thị Hạnh - Phó giám đốc Công ty TNHH Hai thành viên Ba Nguyên cho biết:

"Hiện nay, khi chuẩn bị cho gà vào, chúng tôi thực hiện nghiêm việc vệ sinh chuồng trại để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành chức năng".

Gà được nuôi theo mô hình trại lạnh khép kín, nhiệt độ trong trang trại luôn được làm mát phù hợp với đặc điểm sinh lý của gà. Tất cả công đoạn từ cho ăn, chăm sóc, kiểm soát nhiệt độ và phòng bệnh đều số hoá nên giảm tối đa công lao động.

Trang trại sử dụng đệm lót sinh học nên môi trường bên trong và bên ngoài luôn an toàn, sạch sẽ. Đối với việc sử dụng điện năng lượng mặt trời, vừa có thể đáp ứng được việc sản xuất của mình, vừa giảm được cái nóng trong chuồng trại. Qua đó, giúp gà sinh trưởng ổn định mà vẫn tiết kiệm chi phí.

Nhân viên Công ty TNHH Hai thành viên Ba Nguyên tiêm vaccine cho đàn gà

Tại Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan, bà Võ Thị Lấn - Giám đốc Công ty cho biết:

“Hiện nay trang trại có khoảng 1.000 con bò, nhưng đã tận dụng nhiều phế phẩm trong chăn nuôi: phân bò được ủ để nuôi trùn quế; nước thải được sử dụng để tưới cỏ, cỏ cho bò ăn dư được tái chế ủ làm phân bón, trồng lại cỏ cho bò ăn. Nhờ vậy nên giá trị kinh tế đem lại rất cao, không phải tốn chi phí mua phân bón hoá học mà còn tạo được công ăn việc làm cho nông dân và lao động tại địa phương".

Để cho bò thư giãn, sinh trưởng tốt, Công ty TNHH MTV trà Tâm Lan còn định kỳ mở nhạc với âm lượng vừa đủ, giai điệu nhẹ để ổn định tâm lý. Môi trường đó tạo cho đàn bò cảm giác thư thái nên sức khoẻ tốt.

Xu thế tất yếu

Nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đích đến của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn là người dân. Có nghĩa là người dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể thực hiện chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết:

“Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà chuyển đổi số đã được xác định là một trong những yếu tố quan trọng để đi tắt đón đầu trong quá trình phát triển nói chung, đặc biệt là trong các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp.

Tỉnh cũng đã giao cho ngành nông nghiệp cùng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để xây dựng các chương trình, đề án rất cụ thể trong việc đẩy mạnh các ứng dụng chuyển đổi số sao cho phù hợp từng giai đoạn, từng đối tượng cụ thể.

Làm sao đó để chúng ta ngày càng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các khâu của nông nghiệp, tạo ra hiệu ứng đồng bộ để nâng cao chuỗi giá trị, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp”.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vận động người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.

Đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo đột phá nông nghiệp thông minh 4.0. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị nhằm phát triển các cụm liên kết sản xuất, trồng trọt đến chế biến và tiêu thụ tại địa phương.

Mô hình chăn nuôi tuần hoàn của Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh:

“Hiện nay, công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao và chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất cho người dân tiếp tục được Sở tập trung thực hiện. Đồng thời triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông, thực hiện chuyển giao các giải pháp về khoa học và công nghệ trong công tác giống, kỹ thuật sản xuất, quản lý dịch hại.

Đặc biệt, trong năm 2023, Sở đã tập trung xin chủ trương xây dựng dữ liệu số, nền tảng số ngành nông nghiệp, như: Công tác quy hoạch, kế hoạch của ngành; thực hiện truy xuất nguồn gốc, quản lý cơ sở dữ liệu trồng trọt và bảo vệ thực vật phục vụ quản lý và cảnh báo sinh vật gây hại cây trồng; thực hiện bản đồ số hoá vùng nông thôn mới; quản lý thông tin về lĩnh vực phát triển nông thôn gồm: làng nghề, trang trại, tổ hợp tác.

Việc làm này, được kỳ vọng sẽ tạo ra những giá trị thặng dư cao hơn cho nền kinh tế, đồng thời giúp người nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển".

Có thể khẳng định chuyển đổi số “là một xu hướng tất yếu để hiện đại hoá ngành nông nghiệp, công nghệ tiên tiến giúp nâng cao năng suất và giá trị nông sản”. Do đó, trong năm 2024, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đề án, dự án, chương trình trọng điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Phấn đấu có từ 1 - 2 vùng được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, nhất là chuyển đổi số và các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến nông nghiệp xanh, bền vững; đồng thời, thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, liên kết với nông dân hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ phong phú và có giá trị gia tăng cao.

T. Hương (Nguồn: https://baotayninh.vn/)  

         

 

Bài liên quan

Tin mới

Sản xuất công nghiệp tỉnh Nam Định tăng trưởng tốt
Sản xuất công nghiệp tỉnh Nam Định tăng trưởng tốt

Theo Cục Thống kê tỉnh Nam Định, sản xuất công nghiệp tháng 4 duy trì ổn định, tăng 6,76% so với tháng trước và tăng 12,39% so với cùng kỳ năm 2023.

Quảng Ninh thanh tra, kiểm tra 2.217 cơ sở về an toàn thực phẩm
Quảng Ninh thanh tra, kiểm tra 2.217 cơ sở về an toàn thực phẩm

Trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024 (từ 15/4 đến 15/5), các cấp, ngành trong tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 204 đoàn, thực hiện thanh tra, kiểm tra 2.217 cơ sở về ATTP. Qua đó, phát hiện 142 cơ sở vi phạm; phạt tiền 142 cơ sở với tổng số tiền hơn 455 triệu đồng; tịch thu tiêu hủy sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng với giá trị 521,56 tỷ đồng.

Rạng Đông: Hiệu quả từ sản xuất thông minh, vì môi trường
Rạng Đông: Hiệu quả từ sản xuất thông minh, vì môi trường

Hơn 60 năm phát triển, Rạng Đông đã tìm ra con đường riêng của mình trong cuộc cách mạng số: Tập trung vào chuyển đổi sản xuất thông minh linh hoạt, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ 4.0 và thay đổi mô hình tổ chức từ “cỗ máy” truyền thống sang “cơ thể sống” linh hoạt và sáng tạo.

Chưa xác định được nguyên nhân tôm, cá chết bất thường ở sông Đáy
Chưa xác định được nguyên nhân tôm, cá chết bất thường ở sông Đáy

Theo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Nam Định, kết quả phân tích 3 mẫu nước được lấy ở sông Đáy, đoạn chảy qua các xã, thị trấn thuộc huyện Nghĩa Hưng không phát hiện bất thường, các chỉ số kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép.

Quảng Ninh tạm giữ trên 2.400 sản phẩm thực phẩm nhập lậu
Quảng Ninh tạm giữ trên 2.400 sản phẩm thực phẩm nhập lậu

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8, phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3 (CSGT), phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra xe ô tô thùng kín biển kiểm soát 14C-37239, phát hiện trên 2.400 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, là hàng nhập lậu.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng gửi thư cảm ơn Phòng Cảnh sát Kinh tế - CATP. Hải Phòng
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng gửi thư cảm ơn Phòng Cảnh sát Kinh tế - CATP. Hải Phòng

Theo thông tin từ Công an TP. Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng vừa gửi thư cảm ơn Phòng Cảnh sát Kinh tế thuộc Công an TP. Hải Phòng.