Ngày 2/9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Bài viết này như định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới và được trân trọng, hoan nghênh ở trong và ngoài nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm (đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội Hưng Yên) phát biểu thảo luận tại tổ, ngày 31/10. Ảnh: Như Ý
Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi thảo luận tại tổ, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 31/10. Ảnh Như Ý.

Có thể nói, bài viết của Tổng Bí thư đã tạo đột phá trong việc nhận thức về tiến trình chuyển đổi số đúng với bản chất, vai trò và vị trí của nó đối với sự phát triển của đất nước.

Tiến sỹ Cù Văn Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và các vấn đề xã hội liên quan chủ đề trên.

Tiến sỹ đánh giá thế nào về tầm quan trọng của bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về cuộc cách mạng số? Theo Tiến sỹ, thông điệp cốt lõi mà Tổng Bí thư muốn truyền đạt là gì?

Tiến sỹ Cù Văn Trung: Theo tôi, thông điệp mà Tổng Bí thư Tô Lâm muốn gửi tới toàn xã hội chính là tư duy mới của Đảng ta về vấn đề thời đại. Cụ thể, trong bài viết của người đứng đầu Đảng ta, Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tác động đến hạ tầng cơ sở, làm thay đổi diện mạo, bộ mặt của tất cả dẫn tới thượng tầng kiến trúc, cơ đồ của đất nước có sự phát triển to lớn...

Có thể nói, cách đánh giá về tình hình hiện nay về “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vương mình” của dân tộc đã được người đứng đầu Đảng ta, thông qua các bài viết, bài nói của mình, nêu nhận định, phác họa các mục tiêu đích đến cho một quá trình rất vẻ vang và được nhân dân mong đợi. Ở đó có sự thịnh vượng, có sự phồn vinh và tương lai không xa, chúng ta đứng vào hàng ngũ những nước phát triển. Đó là nguyện vọng, là sự cố gắng và nỗ lực của toàn dân tộc Việt Nam.

Những quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm phản ánh tư duy đúng đắn, thức thời về bản chất, tính chất của giai đoạn cách mạng mới, từ đó, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước nhằm ra sức thực hiện những mục tiêu, chương trình thiết thực, hiệu quả.

ẢNh FPT.
Chuyển đổi số - Tư duy mới của Đảng ta về vấn đề thời đại. ẢNh FPT.

Tiến sỹ nhận thấy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay như thế nào?

Tiến sỹ Cù Văn Trung: Tôi nhận thấy, quá trình chuyển đổi số ở nước ta hiện nay đang phủ khắp hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Những nỗ lực của các cơ quan, địa phương, ngành giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi về mặt chủ trương, chính sách và dành nguồn kinh phí đầu tư để triển khai. Đó là điều rất đáng mừng và cho thấy cả hệ thống chính trị đều vào cuộc.

Tuy nhiên, xét ở diện rộng có tính bao quát của quốc gia thì chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay chưa được như mong đợi, kỳ vọng. Chúng ta mới phổ cập theo diện rộng, ở các đô thị và trong tầng lớp dân cư trẻ, tiến bộ. Phần lớn người dân Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng, chưa có điều kiện và chủ động trong việc chuyển đổi số.

Theo Tiến sỹ, đâu là những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số?

Tiến sỹ Cù Văn Trung: Thách thức lớn nhất có thể kể đến chính là năng lực thích ứng, năng lực hội nhập chuyển đổi số của chúng ta. Chúng ta có một nền kinh tế tương ứng với khả năng của mình. Đại bộ phận người dân có năng lực phù hợp với sự đổi mới giáo dục trong nhiều thập niên qua. Tức là, năng lực của chúng ta đang ở mức phù hợp với sự phát triển của mình. Chính vì thế, thách thức của quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay có thể ví như “người vác nặng”.

Năng lực của nền kinh tế, năng lực của người dân và Chính phủ còn hạn chế đối với một quá trình đòi hỏi phải có nền tảng kinh tế - xã hội tương đối. Có tâm thế sẵn sàng cao sẽ thúc đẩy nhanh chóng thành công được quá trình chuyển đổi số. Bởi chuyển đổi số chính là số hóa nền kinh tế, Chính phủ số hoạt động hành chính và xã hội số mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Năng lực trên ba bình diện ấy của chúng ta chưa thực sự đủ mạnh. Vì vậy, đây là một thách thức không hề nhỏ của quá trình chuyển đổi số ở nước ta hiện nay.

TS. Cù Văn Trung nêu quan điểm, thách thức lớn nhất trong cuộc cách mạng số chính là năng lực thích ứng, năng lực hội nhập.
Tiến sỹ Cù Văn Trung nêu quan điểm, thách thức lớn nhất trong cuộc cách mạng số chính là năng lực thích ứng, năng lực hội nhập.

Đâu là những lĩnh vực mà Việt Nam nên tập trung đầu tư để tạo ra những đột phá trong cuộc cách mạng số? Nhà nước cần có những chính sách cụ thể nào để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số?

Tiến sỹ Cù Văn Trung: Theo tôi, chỉ có thể là đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Giáo dục có tính chuyển tiếp và tiếp biến giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người mới phải có tâm thế mới và hành trang mới để biến những khát vọng của đất nước thành hiện thực.

Chuyển đổi số - cần nhất vẫn là con người. Người ta vẫn nói cách mạng cộng nghệ số thực sự là cuộc cách mạng về thể chế, đổi mới thể chế. Và điều chúng ta đang cảm nhận là thể chế có thể sửa đổi và cải cách được, những yếu tố lạc hậu, kìm hãm sự phát triển được Đảng và Nhà nước ta tháo gỡ dần dần.

Công nghệ và đổi mới sáng tạo có một số trải nghiệm và đi cùng tiến trình này với nhân loại ngày nay. Việt Nam thấu hiểu tầm quan trọng của vấn đề này, nhiều chính sách và chủ trương đã được ban hành, không ít các chương trình đã được tổ chức và thực hiện. Nhiều bộ, ngành và địa phương cũng đang triển khai rất rốt ráo, quyết liệt và mạnh mẽ.

Để hiện thực hóa cuộc cách mạng số, Việt Nam cần có những đột phá nào về chính sách, công nghệ và nguồn nhân lực?

Tiến sỹ Cù Văn Trung: Chúng ta đã đề cập nhiều câu chuyện lý luận và hệ lý thuyết thế nào để tạo ra đột phá. Các nhà lý luận và khoa học đã chỉ ra, đặt vấn đề trong không ít hội thảo, các diễn đàn khoa học. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước và các chuyên gia cũng đã nhận thức được tầm quan trong của cuộc cách mạng số. Thế giới đang phát triển không ngừng, chúng ta không thể chậm được.

Ảnh internet.
Chuyển đổi số - Tư duy mới của Đảng ta về vấn đề thời đại. Ảnh internet.

Ngoài ra, chính sách phát triển khoa học và công nghệ của chúng ta tương đối toàn diện và đầy đủ. Chúng ta đã thiết kế, xây dựng để tạo bộ khung về hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số được diễn ra thuận lợi, dễ dàng hơn. Một khía cạnh nhỏ ở chính sách về thu hút người tài và môi trường làm việc cũng như chế độ đãi ngộ đối với những người làm về lĩnh vực công nghệ cao, về trí tuệ nhân tạo (AI)… vẫn cần phải quan tâm hơn nữa.

Thực tế, nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn rất thiếu và yếu ở Việt Nam. Vì thế, thu hút những người như vậy làm việc, cống hiến cho xã hội, đào tạo thế hệ trẻ, sinh viên rất cần có môi trường, điều kiện để họ phát huy, có chế độ lương, thưởng và phụ cấp tương xứng để họ an tâm công tác.

Thêm vào đó, cần chọn ra một số đơn vị có tính chất dẫn đầu như trường đại học, ngành học và các bộ có liên quan để tập trung đầu tư, nghiên cứu, khai thác các sản phẩm khoa học công nghệ, nguồn nhân lực. Đồng thời, có mục tiêu rõ ràng, đầu tư ngân sách cụ thể và cơ chế liên kết, thu hút những chuyên gia, nhà khoa học của quốc tế và người Việt ở nước ngoài để đào tạo cho một số điểm được chọn lọc như vậy. Từ đó, tạo nguồn nhân lực, tạo điểm nhấn đề nhân rộng các mô hình đã thành công.

Như vậy, có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng của toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất. Từ đó, đưa đất nước ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới.

Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!

Theo baoquocte.vn