Theo chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) thì, thị trường trong nước giảm sang tuần thứ ba liên tiếp nhưng đã có những tín hiệu tích cực khi có triển vọng kiểm tra vùng đáy tháng Năm thành công, qua đó có thể hình thành mô hình 02 đáy đảo chiều.
Thanh khoản tuần này giảm mạnh, nhưng dòng tiền vẫn chọn được cơ hội đầu tư trên diện rộng dưới sự dẫn dắt từ các nhóm cổ phiếu như: Ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản, bảo hiểm, dầu khí…
Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE tuần này giảm về mức thấp kỷ lục, tương đương giai đoạn cuối năm 2020, bình quân đạt hơn 11.000 tỷ đồng.
Về kỹ thuật, khi thị trường đã có nhóm trụ dẫn dắt và chỉ số VN-Index cũng không thủng đáy, tâm lý nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ, qua đó tăng nhu cầu giữ lại cổ phiếu và người mua phải tự đẩy giá lên.
Bên cạnh đó, thị trường đang dần khép lại quý II với mùa báo cáo kết quả kinh doanh sẽ được công bố, nhiều nhóm cổ phiếu cơ bản đã điều chỉnh mạnh như nhóm sản xuất điện, bảo hiểm, dầu khí… nhà đầu tư có thể mua lại với giá tốt. Kể cả việc thị trường có “nhịp nhúng” qua đáy thứ Hai này cũng là cơ hội cho dòng tiền đến muộn, MBS nhận định.
Nhóm chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) phân tích: Thị trường đã trở lại vùng đáy của đợt điều chỉnh trước và P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) thị trường vẫn chỉ quanh 12,5 lần. Nhiều doanh nghiệp niêm yết đang có định giá hấp dẫn, mặc dù chưa xác định được kịch bản đường đi của VN-Index, nhưng với nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang được định giá khá hấp dẫn ở mặt bằng giá hiện tại là cơ hội giải ngân đối với nhà đầu tư dài hạn.
Chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định: Tuần qua (từ 20 - 24/06), ngưỡng cân bằng 1.200 điểm của VN-Index đã bị xuyên thủng ngay phiên đầu tuần. Đáng chú ý, áp lực bán đã tăng mạnh khi chỉ số VN-Index mất 1.200 điểm, kéo phiên đầu tuần giảm gần 37 điểm.
Chỉ số tiếp tục giảm điểm trong 02 phiên tiếp theo và kiểm định vùng đáy cũ tại 1.156 - 1.160. Điểm tích cực trong tuần là diễn biến hồi phục của VN-Index tại vùng đáy cũ, nhịp hồi phục đã giúp chỉ số chốt tuần tại 1.185,48 điểm. So với cuối tuần trước VN-Index để mất 31,82 điểm.
GAS là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến đà giảm điểm của VN-Index khi giảm 14,9% kéo chỉ số giảm 10 điểm. Tiếp theo là VIC và VHM với mức ảnh hưởng 3,5 điểm và 3,1 điểm đến VN-Index.
Trong Top 10 ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số VN-Index, 2 cổ phiếu ngành điện là POW và REE cũng ghi nhận mức giảm mạnh lần lượt 15,5% và 13,1%. Ở chiều tăng điểm, đáng chú ý, VNM tăng 7,6% trong tuần đã giúp VN-Index tăng 2,8 điểm.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 300 tỷ đồng trong tuần, GAS dù giảm mạnh nhưng là mã được khối ngoại mua vào hơn 210 tỷ đồng và trở thành cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất, tiếp theo là STB với giá trị mua ròng hơn 186 tỷ đồng. Bên phía bán ròng, HPG là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 441 tỷ đồng.
Đà rơi của VN-Index đã mạnh hơn khi mốc 1.200 bị xuyên thủng. Ở góc độ kỹ thuật, việc VN-Index duy trì được vùng đáy trước đó từ 1.150 - 1.160 điểm là tín hiệu tích cực giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn.
“Trong tuần sau chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục kiểm định ngưỡng này và chúng tôi đánh giá đây là diễn biến quan trọng cho xu hướng trung hạn của VN-Index”, chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhìn nhận.
Dù nền kinh tế đang đối mặt bởi nguy cơ lạm phát, nhưng với đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khá ấn tượng, mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại vẫn là cơ hội tốt để nhà đầu tư dài hạn tích lũy dần cổ phiếu.
Q.N (t/h)