Tập trung xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai
Trước tình trạng 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, ngày 11/3, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí của thành phố đã chủ trì phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo. Tại phiên họp, Ban chỉ đạo đã nghe công bố quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ và cho ý kiến ối với kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí năm 2025 và các năm tiếp theo...
Đồng thời, bàn về các biện pháp tiến hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các nhóm dự án (nằm trong 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai) như: Dự án xây dựng Trường THPT Hướng nghiệp công nghệ thông minh tại Khu Đô thị mới Đặng Xá 2 (huyện Gia Lâm); dự án Khu trung tâm tòa nhà hỗn hợp thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở - dịch vụ bán và bảo hành xe ô tô tại xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai);…

Tiếp tục khẩn trương tháo gỡ, ngày 29/3, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND trọng tâm về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí năm 2025 và các năm tiếp theo của TP. Hà Nội.
Kế hoạch số 85/KH-UBND nhằm tiếp tục quán triệu và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đảm bảo hiệu quả và thực hiện các biện pháp tăng cường về phòng, chống lãng phí, tiêu cực để khơi thông nguồn lực, tạo dòng chảy phát triển kinh tế xã hội, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí của UBND Thành phố.
Cùng với đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí tập trung những giải pháp căn cơ để thực hiện đối với 3 lĩnh vực: đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai và quản lý tài sản công. Cụ thể, đối với nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện trong năm 2025 gồm 4 nhóm nhiệm vụ về tài chính công, đầu tư công; về quản lý đất đai và các dự án có sử dụng đất; về quản lý tài sản công; về các nhiệm vụ khác.
Trong đó, về tài chính công, đầu tư công, Sở Tài chính tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc đối với 109 Dự án đầu tư công khó khăn, chậm tiến độ, trong đó đặc biệt tập trung đối với các dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài, thực hiện năm 2025; rà soát, xử lý tháo gỡ thực hiện dứt điểm đối với Dự án BT đang triển khai dở dang, đảm bảo chặt chẽ thủ tục, sớm kết thúc dự án thực hiện năm 2025; xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 theo tinh thần phải tập trung hoàn thành dứt điểm dự án chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắc;…
Trên cơ sở đó, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể theo từng nhóm đã phân loại, trước mắt tập trung vào 712 dự án và 117 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai do UBND cấp huyện đề xuất kiến nghị xử lý, thực hiện trong quý II, III/2025.

Dự án chậm tiến độ ảnh hưởng như thế nào đến sự minh bạch của môi trường đầu tư?
Những chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội hoàn toàn có cơ sở, khi trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều dự án bất động sản chậm tiến độ và bị bỏ hoang, trong khi nguồn cung nhà ở còn thiếu.
Có thể kể đến, dự án Khu đô thị mới Phú Lương với tổng diện tích lên đến hơn 34ha, được quy hoạch như một thành phố thu nhỏ hiện đại với hệ thống giao thông đồng bộ và phục vụ tối đa các nhu cầu thiết yếu của người dân. Nhưng thực tế đến nay, khu vực này còn khá ngổn ngang và vắng cư dân sinh sống.

Vào ngày 18/11/2014, UBND Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 6035/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Phú Lương, tỷ lệ 1/500. Dự án Khu đô thị mới Phú Lương thuộc địa phận các phường Phú Lương, Phú La, Kiến Hưng (quận Hà Đông) do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Trung Việt, Công ty CP Sông Đà 2 và Công ty CP Xây dựng Hồng Quang (Liên danh thống nhất uỷ quyền cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Trung Việt là đại diện Liên danh).
Theo quy hoạch được duyệt, dự án có quy mô hơn 34ha, bao gồm: Khu chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ có diện tích 86.806m2 với 16 toà nhà; khu nhà liền kề diện tích 24.979m2 với 295 căn hộ và khu biệt thự diện tích 46.287m2 với 195 căn hộ... Dân số khoảng 6.400 người nằm trong ô quy hoạch ký hiệu 12-2 thuộc quy hoạch phân khu đô thị S4.
Khu đô thị được đầu tư và quy hoạch theo lộ trình đến năm 2019, dự án sẽ phải hoàn thành thi công và đến năm 2020, số lượng dân cư vào ở dự kiến đạt trên 80%. Thế nhưng trong nhiều năm qua, khu đô thị này luôn trong tình trạng vắng bóng người dân sinh sống và trở thành “điểm đen” của quận Hà Đông trong vấn đề biệt thự bỏ hoang.

Qua thực tế thi hành Luật Đất đai năm 2013 và sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2024 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ Năm thông qua ngày 18/1/2024 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 (thay thế Luật đất đai 2013), trong những năm qua bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì vẫn còn đó nhiều tồn tại, hạn chế, đặc biệt là vấn đề liên quan đến quy định về thu tiền sử dụng, tiền thuê đất; chính sách về giá đất chưa phù hợp, tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, làm phát sinh tham ô, tham nhũng, tiêu cực... nên chưa phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế của tài nguyên đất, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Vào tháng 7/2024, Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã báo cáo về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc quản lý thu các khoản tiền thuế nợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2023. Trong 3 năm liên tiếp kể từ năm 2021, nợ tiền thuế liên quan tới đất đều tăng mạnh và vượt 50% tổng nợ ngân sách Nhà nước của Thành phố Hà Nội. Đơn cử, năm 2021, nợ thuế đất khoảng 11.840 tỷ đồng, gần 56% tổng nợ. Năm 2022, số nợ thuế đất lên tới 13.545 tỷ đồng, bằng gần 58% tổng nợ và tăng lên gần 15.470 tỷ đồng trong năm 2023, chiếm gần 54% tổng nợ.
Trong đó, có các trường hợp nợ thuế lớn, điển hình gồm: Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Việt, đại diện liên danh chủ đầu tư tại dự án Khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông); Công ty CP đầu tư bất động sản Vinaland tại dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ và nhà ở Dreamland Plaza; Công ty cổ phần đầu tư phát triển 18 với dự án khu chung cư cao tầng và nhà ở cán bộ công nhân các khu công nghiệp;…
Được biết, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Việt được thành lập ngày 17/3/20023 với vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, có địa chỉ trụ sở chính tại Lô 1-BT14, khu đô thị mới Phú Lương, do ông Cù Ngọc Ổn là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh nhiều ngành, nghề như: Bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của mô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú ngắn ngày; Khai thác quặng sắt; Khai thác và thu gom than non; Khai thác khoáng chất và khoáng phân bón; Kinh doanh nhà hàng và các dịch vụ ăn uống lưu động; Khai thác quặng kim loại quý hiếm; Sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét; Buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng; Khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; Kinh doanh bất động sản…
Theo luật sư Hoàng Văn Đạo, Hội Luật gia Việt Nam, pháp luật về thuế đã có những quy định chi tiết về việc xử phạt hành chính trong việc chậm nộp tiền sử dụng, tiền thuê đất tại Luật Quản lý thuế năm 2019. Căn cứ vào khoản 1 Điều 59, khi người có nghĩa vụ nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp tiền chậm nộp. Tiền chậm nộp tiền sử dụng đất sẽ được căn cứ vào khoản 2 Điều 59, mức tính bằng 0,03%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương với mức 0,9%/tháng.
“Tuy nhiên, với mức quy định xử phạt chậm nộp thuế như vậy được xem là vẫn chưa đủ sức răn đe, nên thời gian qua số lượng các DN bị phạt chậm nộp thuế rất nhiều, thậm chí có những DN bị phạt tiền chậm nộp lên đến vài chục tỷ đồng và kéo dài thời gian chậm nộp qua nhiều năm” – luật sư Hoàng Văn Đạo nói.

Để hạn chế lãng phí và sớm đưa các công trình bỏ hoang vào sử dụng, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ trên Báo Dân trí cho rằng chúng ta cần phải dùng thuế để quản lý. Ông nêu ví dụ, nếu nơi nào để tài sản công lãng phí sẽ dùng thuế điều chỉnh, khi không có nguồn thu sẽ không có ngân sách đóng thuế và từ đó xác định các tài sản nào mang lại giá trị thấp. Từ đó, chúng ta có phương án điều chỉnh, tái sử dụng tài sản một cách hiệu quả.
Gợi mở về việc áp dụng thuế hiệu quả, KTS Trần Huy Ánh cho biết, hồ sơ đất công, tài sản trên đất phải được quản lý chặt chẽ. Để làm được điều này, có thể giao cho tư nhân sử dụng, vận hành các tài sản đang bị bỏ hoang sẽ đem lại hiệu quả cao.
Vị kiến trúc sư dẫn chứng thực tế, tại Hà Nội nhiều cơ quan, trụ sở bị bỏ hoang đã được hồi sinh trong "Tuần lễ sáng tạo" bởi các sáng kiến mang lại sức sống mới, đưa các công trình có lại giá trị cao trong cuộc sống vật chất và tinh thần đối với cộng đồng, xã hội.
Đưa ra giải pháp, ông góp ý, toàn bộ các dịch vụ có thể giao lại cho tư nhân thực hiện và cơ quan quản lý Nhà nước điều tiết, kiểm soát các hoạt động cho đúng luật. Có nhiều công ty công nghệ tư nhân đã cung cấp những giải pháp tra cứu thông tin nhà đất rất hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho công chúng cũng như hỗ trợ đắc lực công tác quản lý.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Lãng phí đang là vấn đề rất đáng báo động
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh khi phát biểu tại cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Bắc, chiều 15/4, tại Hà Nội.
Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, một số người lo lắng công tác này sẽ chùng xuống, bị lãng quên. Song trên thực tế, ông khẳng định, phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. "Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cao chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đã quyết định bổ sung nội hàm phòng, chống lãng phí, tạo ra bộ ba cần phải loại bỏ là tham nhũng, lãng phí và tiêu cực", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, điều này tạo ra sự răn đe, cảnh tỉnh rất lớn và tinh thần này sẽ tiếp tục được tiến hành kiên trì, liên tục. Minh chứng là việc Bộ Chính trị cũng đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh với trọng tâm là chỉ đạo phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Nhận định sự lãng phí trong xã hội còn rất lớn, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý tới đây cần có phong trào toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cuộc sống, từng gia đình, từng người dân. "Lãng phí đang là vấn đề rất đáng báo động. Ở khía cạnh nào đó, lãng phí còn gây tổn hại lớn hơn tham nhũng và tiêu cực", Tổng Bí thư nhận định.
Số liệu từ báo cáo của Bộ Công an cho thấy cả nước đang tồn đọng khoảng 2.805 các công trình, dự án chậm hoặc không được đưa vào sử dụng, có nguy cơ gây lãng phí. Dẫn chứng câu chuyện của Hà Nội mới thu hồi 2 trong số hàng trăm dự án dang dở đã thu về cho ngân sách khoảng 80.000 tỷ đồng, Tổng Bí thư cho rằng còn hàng trăm dự án có giá trị từ vài trăm nghìn tỷ đồng đến hàng triệu tỷ đang gặp vướng mắc, bị ngưng trệ.
"Những công trình này không chỉ gây thiệt hại, lãng phí về tiền bạc mà còn gây sự thiệt hại nhiều về các lĩnh vực xã hội khác mà không thể tính hết được bằng tiền", Tổng Bí thư nói.
Theo dantri.com.vn
PV (t/h)