Chính quyền có... coi thường dân?

Trao đổi với PV, ông Trần Thiện Kim (con ruột của ông Trần Văn Tâm) cho biết: Toàn bộ diện tích 19.560m2 đất là của gia đình tôi, các hộ dân (có liên quan) được đền bù và đã nhận tiền là bà Nguyễn Thị Anh 17.232đ; ông Trần Văn Hai 12.012đ; ông Bùi Văn Cương 3.000đ; bà Nguyễn Thị Hoa 5.390đ; họ thực chất chỉ là công nhân (thuộc cơ sở sản xuất gạch ngói của gia đình) và gia đình tôi cho mượn đất để canh tác lúa. Thế nhưng, họ đã được đền bù, thậm chí có người được đền bù còn cao hơn gia đình tôi, trong khi nhà tôi mất 2 ha đất, lại bị đối xử bất công - là điều khó chấp nhận.

Chuyện nghịch lý tại Đồng Tháp - Kỳ 2: Chính quyền có vi phạm quy định của pháp luật? - Hình 1

Quyết định của UBND tỉnh Đồng Tháp

Cũng theo ông Kim: Trong lúc gia đình tôi đang chờ cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp giải quyết, bồi thường, vì tỉnh trưng dụng đất của gia đình từ năm 1987. Và cha tôi (ông Trần Văn Tâm), tháng nào cũng đội đơn đi hỏi tiền bồi thường cho gia đình, nhưng không được cơ quan có trách nhiệm giải quyết, vì lúc này Trại nuôi giống thủy sản (Sở Thủy sản) đã giải thể.

"Do suy nghĩ nhiều, sức khỏe yếu, năm 2005, bố tôi mất. Đến nay, trong khi gia vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, thì mảnh đất của gia đình tôi bị UBND tỉnh Đồng Tháp bán đấu giá? Tôi không hiểu tại sao, tỉnh Đồng Tháp lại mang đất của gia đình tôi đi bán đấu giá cho DN mà không hề hỏi ý kiến và để sự việc ngã ngũ rồi mới thông báo cho gia đình biết thì đó là quan liêu, coi thường dân", ông Trần Thiện Kim bức xúc.

Vi phạm quy định của pháp luật

Chuyện nghịch lý tại Đồng Tháp - Kỳ 2: Chính quyền có vi phạm quy định của pháp luật? - Hình 2

Khu đất của ông Trần Văn Tâm bị UBND tỉnh Đồng Tháp bán đấu giá

Theo luật sư Phạm Duy Hiển, (Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Duy): “Đúng lẽ ra, UBND tỉnh Đồng Tháp, khi trưng dụng đất của gia đình ông Tâm, giao cho Sở Thủy sản dùng vào việc sản xuất, kinh doanh và khi Sở Thủy sản không còn sử dụng, thì UBND tỉnh Đồng Tháp phải trả lại và cấp giấy chứng nhận cho gia đình ông Trần Văn Tâm - theo đúng Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 181/2004.

Theo Điều 37 - Nghị định 181 về Trưng dụng đất, có thời hạn như sau.

Một là: Trường hợp Nhà nước ban bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp như chiến tranh, thiên tai, hoả hoạn hoặc các tường hợp khẩn cấp khác đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, tài sản, tính mạng của người dân mà cần sử dụng đất, thì Chính phủ; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền trưng dụng đất. Quyết định trưng dụng đất, phải ghi rõ mục đích trưng dụng đất và thời hạn trưng dụng đất.

Hai là: Hết thời hạn trưng dụng đất mà chưa thực hiện xong mục đích trưng dụng đất, thì cơ quan nhà nước đã trưng dụng đất ra quyết định kéo dài thời hạn trưng dụng đất; thời hạn kéo dài trưng dụng đất không vượt quá thời hạn đã trưng dụng đất.

Ba là: Cơ quan nhà nước đã trưng dụng đất có trách nhiệm trả lại đất và bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra cho người có đất bị trưng dụng khi đã thực hiện xong mục đích trưng dụng đất, hoặc đã hết thời hạn trưng dụng đất; việc bồi thường thiệt hại được thực hiện trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày hết thời hạn trưng dụng đất.

Trường hợp việc trưng dụng đất ảnh hưởng đến thu nhập bảo đảm đời sống của người bị trưng dụng đất thì việc bồi thường phải được thực hiện không quá 3 tháng 1 lần đối với thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra.

Quy định là vậy. Song, UBND tỉnh lại đem đất của dân để đấu giá và việc Công ty cổ phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp - là DN chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng có tiếng ở tỉnh Đồng Tháp, được mua đấu giá trúng mảnh đất của gia đình ông Trần Văn Tâm, đang gây xôn xao dư luận ở địa phương.

TH&CL sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Hùng Nam – Hải Dương