Chỉ một ngày sau khi chính thức đảm nhận Chủ tịch EU, Thủ tướng Viktor Orban đã bất ngờ bay đến Kiev. Trong hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Volomymyr Zelensky tại Kiev ngày 2/7, hai bên đã thảo luận về "khả năng kiến tạo hòa bình cho Ukraine" và tất nhiên, là các khúc mắc trong quan hệ song phương.
Mối quan hệ giữa ông Orban và ông Zelensky đã trở nên lạnh nhạt kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine. Ông Zelensky từng chỉ trích đích danh ông Orban vì không những không hỗ trợ cho Kiev mà còn công khai chỉ trích các gói viện trợ tài chính và quân sự của Châu Âu cho Ukraine.
Quan hệ hai bên càng lạnh giá khi đầu năm nay, sự phản đối của Hungary - thành viên của cả EU và NATO đã làm đình trệ gói viện trợ 50 tỉ Euro (khoảng 53,6 tỷ USD) của Châu Âu cho Ukraine trong nhiều tuần. Không những thế, Budapest cũng thường chỉ trích việc Brussels mở các cuộc đàm phán trong liên minh để bàn thảo về việc kết nạp Kiev vào EU.
Ngược lại với quan điểm về Ukraine, nhà lãnh đạo Hungary lại thường công khai ủng hộ Moscow và luôn phản đối các lệnh trừng phạt của EU áp đặt lên Nga, song chưa dùng quyền phủ quyết để chặn những động thái này của EU.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Viktor Orban đã kêu gọi Kiev chấp nhận "nhanh chóng ngừng bắn" với Moscow để thúc đẩy hòa đàm, song ông Zelensky dường như đã không hưởng ứng đề xuất này.
Kết thúc chuyến công du Ukraine trong khi "hục hặc" giữa Kiev và Budapest dường như vẫn không được hạ nhiệt, ngày 5/7, Thủ tướng Orban liền bay tới Moscow để gặp Tổng thống Vladimir Putin. Chuyến đi được chính ông Orban mô tả là "vì sứ mệnh hòa bình 2.0".
Tại Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận gần ba giờ về nhiều vấn đề như xung đột Ukraine, phương án giải quyết xung đột và nhiệm kỳ chủ tịch EU của Hungary. Tại cuộc gặp ở Moscow, Tổng thống Nga khẳng định với "nhà trung gian Budapest" rằng, quá trình đàm phán cần dẫn đến "chấm dứt hoàn toàn xung đột", thay vì chỉ là "những lệnh ngừng bắn để Kiev có thời gian tập hợp vũ khí và lực lượng".
Trong bối cảnh đó, chuyến đi của nhà lãnh đạo Hungary và EU đến Kiev và Moscow giống như những chuyến đi của một nhà trung gian hòa giải. Hôm 5/7, ngay trước khi ông Viktor Orban lên đường tới Moscow, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông và liên minh đã được Thủ tướng Hungary thông báo về chuyến thăm Moscow và rằng, "Thủ tướng Hungary Viktor Orban không đại diện cho NATO trong những cuộc gặp thế này. Ông ấy chỉ đại diện cho đất nước mình".
Tuy nhiên, chuyến công du của Thủ tướng Orban tới Moscow cũng đã khiến các đồng minh trong EU và NATO lo lắng. Nhiều quan chức EU và các nước thành viên đã chỉ trích chuyến đi Moscow của ông Orban, cho rằng điều này làm suy yếu vai trò Chủ tịch luân phiên EU và gây chia rẽ nội bộ khối. Bộ Ngoại giao Ukraine cũng chỉ trích cuộc gặp giữa Thủ tướng Orban và Tổng thống Putin, nhấn mạnh Kiev không được tham vấn hay thông báo về sự kiện. Trong khi đó, Tổng thống Putin nói ông coi Thủ tướng Hungary là đại diện cho Châu Âu.
Trong khi chuyến đi "vì sứ mệnh hòa bình 2.0" tới Moscow của Thủ tướng Viktor Orban vẫn còn được bàn tán thì nhà lãnh đạo Hungary và EU lại bất ngờ bay đến Trung Quốc vào sáng 8/7 trong một chuyến đi được chính nhà lãnh đạo Hungary truyên bố trên mạng xã hội X là chuyến đi vì “sứ mệnh hòa bình 3.0”.
Phát biểu tại cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Orban cho biết Budapest ủng hộ kế hoạch của Bắc Kinh trong việc giải quyết xung đột Ukraine. Trước đó, Hungary từng nhiều lần bày tỏ đồng tình đối với kế hoạch hòa bình 12 điểm do Bắc Kinh đề xuất vào ngày 24/2/2023, trong đó có điều khoản đình chiến và nối lại đàm phán hòa bình.
Đáng chú ý, chuyến thăm Trung Quốc của ông Orban diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành và chủ đề thảo luận chính được cho là cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine. Bên cạnh đó, chuyến đi Bắc Kinh của ông Orban cũng diễn ra ngay sau khi Ủy ban Châu Âu xác nhận vào tuần trước rằng sẽ áp dụng mức thuế lên tới 37,6% đối với sản phẩm xe điện nhập khẩu sản xuất tại Trung Quốc. Động thái mà các nhà quan sát cho rằng, sẽ gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Brussels.
Trong bối cảnh Hungary bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch EU với lời kêu gọi "Làm cho Châu Âu vĩ đại trở lại", 3 chuyến thăm liên tiếp của Thủ tướng Viktor Orban và có thể là cả chuyến thăm Mỹ sắp tới cho thấy nhà lãnh đạo Hungary – người có mối quan hệ nồng ấm nhất với Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga trong EU - liệu có đạt được mục đích nào cho "sứ mệnh hòa bình" hay không, trong khi EU còn đó nhiều bất đồng vẫn là một câu hỏi lớn.
Theo baoquocte.vn