Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị triển khai Đề án phát triển CIC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tới dự hội nghị có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng; Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng; đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc NHNN Việt Nam cùng toàn thể cán bộ, người lao động CIC. Đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của CIC không chỉ trong năm 2022, mà còn trong cả giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn tiếp theo 2026-2030.
Theo Tổng giám đốc CIC Cao Văn Bình, giai đoạn 2015-2020, CIC đã có bước phát triển nhanh, mạnh mẽ về mọi mặt. Với vai trò là một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc NHNN, CIC được giao tổ chức hệ thống thông tin tín dụng, phát triển cơ sở thông tin tín dụng quốc gia, qua đó đã tạo lập được một kênh thông tin tin cậy, hỗ trợ tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN và đáp ứng các nhu cầu dịch vụ thông tin của các tổ chức tín dụng (TCTD). Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế và ngành Ngân hàng đang chịu những tác động nghiêm trọng, chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, CIC đã chủ động hỗ trợ TCTD giảm chi phí hoạt động cấp tín dụng, gián tiếp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.
Chia sẻ về Đề án phát triển CIC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ông Cao Văn Bình cho biết, mục tiêu tổng quát của Đề án là đổi mới toàn diện hoạt động của CIC để khẳng định vai trò và vị thế trong hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (các TCTD) trong hoạt động kinh doanh tín dụng và quản trị rủi ro.
Theo đó, CIC vừa là đầu mối dữ liệu tín dụng của ngành Ngân hàng, là kênh thông tin quan trọng, hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo, điều hành, thanh tra, giám sát và ra quyết định của NHNN. Bên cạnh đó, CIC sẽ đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thông tin trực tiếp cho khách hàng vay, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay và đảm bảo tính minh bạch của thông tin tín dụng...
Đề án đã đặt ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2025 và mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2026-2030. Để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu này, Đề án đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp về: Hoàn thiện mô hình hoạt động, khuôn khổ pháp lý; Chuẩn hóa các giải pháp, quy trình nghiệp vụ lõi; Mở rộng nguồn thông tin để phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng Quốc gia; Ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi mặt hoạt động nghiệp vụ của CIC; Hoàn thiện hệ thống sản phẩm, dịch vụ; Giải pháp về hỗ trợ khách hàng và truyền thông; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thúc đẩy hợp tác quốc tế, mở rộng trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới…
Hội nghị đã được nghe các ý kiến của các đại diện các vụ, cục chức năng thuộc NHNN cũng như ý kiến của đại diện các TCTD với mục tiêu để CIC triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Đề án.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Đề án, CIC cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp nêu trong Đề án. Tiếp tục mở rộng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, tăng độ bao phủ thông tin tín dụng và duy trì mức độ chiều sâu thông tin tín dụng, dần dần tiếp cận với các tiêu chuẩn của các Trung tâm thông tin tín dụng hàng đầu khu vực và thế giới. Trong đó lưu ý bổ sung thêm vào cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia các thông tin quan trọng như: tài sản bảo đảm, người và dự án có liên quan trong hoạt động tín dụng…
Bên cạnh đó, CIC cần thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa duy trì các nguồn thông tin trong Ngành, vừa đẩy mạnh thu thập các thông tin phi truyền thống từ các bộ, ngành có liên quan, các tổ chức tự nguyện. Kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, đảm bảo nguồn thông tin đầy đủ, chính xác, đa dạng, đáp ứng được yêu cầu phát triển nghiệp vụ. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án CNTT, tiếp tục nghiên cứu các xu hướng mới về công nghệ như xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối… để đề xuất giải pháp ứng dụng vào các hoạt động nghiệp vụ của CIC nhằm tiếp cận ngày càng gần hơn xu hướng phát triển trong khu vực và thế giới.
CIC cũng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục, phổ cập kiến thức tài chính cho cộng đồng bằng nhiều hình thức phù hợp. Chú trọng phát triển các dịch vụ thông tin tín dụng trực tiếp cho khách hàng vay, đảm bảo tính minh bạch của thông tin, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng công bằng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế và người dân, doanh nghiệp ở khu vực nông nghiệp, nông thôn…
Để thực hiện tốt được các nhiệm vụ này, CIC cần xây dựng đội ngũ cán bộ CIC có đủ năng lực, trình độ về chuyên môn nghiệp vụ và CNTT để có thể thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ phân tích, đánh giá thông tin tín dụng thu thập được, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý, điều hành của NHNN trong giai đoạn phát triển mới.
Nhấn mạnh các nhiệm vụ cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan trong và ngoài Ngành, Thống đốc cũng lưu ý các đơn vị, vụ, cục thuộc NHNN cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách có liên quan để hỗ trợ, tạo điều kiện cho CIC tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả Đề án phát triển đến 2025, định hướng tới 2030, trong đó có một số nội dung quan trọng như: Quy chế hoạt động thông tin tín dụng của NHNN, Quy chế tổ chức, hoạt động và cơ chế tài chính của CIC…
Theo Thời báo ngân hàng