Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan tới vấn đề Chính phủ và Thủ tướng có những giải pháp giải quyết khó khăn gì để người dân tiếp cận nhà ở thu nhập thấp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận nhu cầu về nhà ở xã hội ở nước ta luôn rất lớn, theo tính toán đến năm 2020 cần 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Để giải quyết vấn đề này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân.
Theo đó, Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, như miễn giảm tiền thuê đất, miễn một số loại thuế, hỗ trợ đầu tư hạ tầng… Đối với người mua nhà, Chính phủ cũng đã có chính sách hỗ trợ lãi suất để vay mua.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, cả nước đã xây được 5,2 triệu m2 nhà ở cho người dân, trong đó, nhà cho người thu nhập thấp ở đô thị là 2,8 triệu m2 và cho công nhân ở khu công nghiệp là 2,3 triệu m2.
“Kết quả đạt được là cố gắng nhưng còn thấp so với yêu cầu. Hiện mới giải quyết khoảng 41,5% yêu cầu”, ông Hà nói.
Theo người đứng đầu ngành xây dựng, vướng mắc lớn nhất dẫn đến thiếu nguồn cung xã hội là do cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư, phê duyệt, giá bán, đối tượng mua nhà cũng còn nhiều bất cập và đặc biệt là thiếu nguồn vốn hỗ trợ người mua nhà.
Thiếu nguồn vốn hỗ trợ người mua nhà là một trong những bất cập để phát triển nhà ở xã hội
“Theo yêu cầu chúng ta phải dành 9.000 tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ, nhưng hiện nay mới bố trí được khoảng 4.000 tỷ”, ông Hà cho biết.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng chưa bố trí đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội, chưa quan tâm xây dựng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Xây dựng cho biết thêm, Chính phủ đã ban hành quy chuẩn quốc gia, quy định về diện tích tối thiểu căn hộ là 45m2. Đây là các điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư bố trí căn hộ trong các dự án. Ngoài ra, Chính phủ đã bố trí 4.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho người vay mua nhà xã hội.
Về các giải pháp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, trước hết cần rà soát, bổ sung các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch 1/500 tại các đô thị để cấp phép các dự án nhà ở xã hội tại các đô thị. Kế đến, các địa phương cần bố trí đủ quỹ đất cho các dự án, tăng cường đầu tư hạ tầng, kết nối khu nhà ở xã hội với các khu vực khác của đô thị.
“Tới đây sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 tạo cơ chế đột phá hơn cho doanh nghiệp, người dân mua nhà ở xã hội. Chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2. Hiện cơ cấu nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và giá dưới 1 tỷ đồng rất khan hiếm”, ông nói thêm.
Khánh Yên