THCL Sáng 18/4, ĐHCĐ thường niên năm 2015 của Techcombank đã nhất trí không chia cổ tức mà giữ lại 1.081 tỷ đồng để bổ sung vốn hoạt động. Đây là năm thứ 4 liên tiếp cổ đông Techcombank phải “nhịn” cổ tức dù kinh doanh vẫn có lãi lớn.
Năm thứ 4 liên tiếp Techcombank không chia cổ tức
Ông Murat Yuldashev – Giám đốc điều hành Techcombank cho biết, năm 2014 ngân hàng có kết quả kinh doanh khá tốt. Cụ thể, tổng huy động vốn từ khách hàng đạt 131.690 tỷ đồng, giảm 1,5% so với kế hoạch đề ra nhưng vẫn tăng 9,8% so với năm 2013. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 80.308 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch và tăng 14,3% so với năm trước. Tổng tài sản đã tăng 10,7%, đạt 175.902 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế năm 2014 tăng mạnh tới 61,4%, đạt 1.417 tỷ đồng và vượt 20% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế là 1.081 tỷ đồng. Dù lợi nhuận tăng, nhưng Hội đồng quản trị đã xin cổ đông không chia cổ tức, mà giữ lại lợi nhuận để bổ sung vốn kinh doanh.
Một cổ đông lớn tuổi bức xúc cho rằng, “năm nay, Ngân hàng Nhà nước khống chế tỷ lệ chia cổ tức nhưng không có nghĩa là không chia cổ tức. Việc Techcomban giữ lại lợi nhuận mấy năm liền không chia cổ tức cho cổ đông là chưa hợp lý và không công bằng với các cổ đông nhỏ lẻ”. Theo cổ đông này, lợi nhuận giữ lại sẽ có lợi ích hơn cho các cổ đông lớn và cổ đông đầu tư dài hạn, nhưng đã bỏ qua quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ.
Một cổ đông khác lại than thở, chưa thấy ngân hàng nào, kể cả ngân hàng nhỏ lại không chia cổ tức nhiều năm như Techcombank. Do đó, cổ đông này đề nghị xem xét năm nay phải chia cổ tức, có thể tạm ứng trước cổ tức năm 2015. Vì cổ đông nhỏ chỉ trông vào cổ tức như một nguồn thu nhập hàng năm trên đồng vốn bỏ ra. Nếu không chia thì cần có kế hoạch khi nào sẽ chia cổ tức? cũng đề nghị HĐQT
Chia sẻ bức xúc của cổ đông, ông Hồ Hùng Anh- Chủ tịch HĐQT cho biết, các chỉ số kinh doanh của Techcombank đã tốt hơn và năm nay, tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu và tăng trích lập dự phòng rủi ro. Mục tiêu là cuối năm 2015 sẽ xử lý xong nợ xấu. Do vậy, HĐQT muốn giữ lại 1.081 tỷ đồng lợi nhuận (sau trích lập các quỹ, dự phòng…) để có nguồn bổ sung vốn hoạt động.
Sau vài năm đặt ra kế hoạch niêm yết cổ phiếu, đến nay, Techcombank vẫn chưa lên sàn khiến cổ đông thắc mắc lý do sự trì hoãn này. Nhất là khi Chính phủ và NHNN đang gây áp lực buộc các ngân hàng phải niêm yết để tăng hiệu quả, minh bạch hơn…
Ông Hồ Hùng Anh giải thích, việc niêm yết cổ phiếu là mong muốn của cả cổ đông lớn hay nhỏ, nhưng quan trọng là chọn thời điểm nào có lợi nhất và quản lý sao để tạo giá trị lớn nhất cho cổ đông. Hiện, Techcombank mong muốn thu hút thêm cổ đông lớn hơn bên cạnh 1 cổ đông chiến lược là Ngân hàng HSBC. Khi đó, ngân hàng sẽ phải tăng sức cạnh tranh thì buộc phải chia cổ tức cho cổ đông. Nhưng, dự kiến phải trong 3-5 năm tới mới có thể chia cổ tức…
Hội đồng quản trị cũng xin ý kiến cổ đông chấp thuận phương án xử lý trái phiếu chuyển đổi có tổng mệnh giá 3.000 tỷ đồng, sắp đến hạn phải chuyển đổi vào cuối năm 2015.
Theo ông Hùng Anh, dự kiến cuối 2015 sẽ có một lượng trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Hai cổ đông lớn là Tập đoàn Masan và Ngân hàng HSBC Việt Nam có cam kết sẽ chuyển đổi. Nhưng vì vướng quy định mới về tỷ lệ sở hữu cổ phần, nên HĐQT đề nghị cổ đông xem xét hoãn thời điểm chuyển đổi trái phiếu để cổ đông lớn chủ động thời điểm chuyển đổi… Việc chuyển đổi này không ảnh hưởng tới cam kết của cổ đông và vẫn đảm bảo giữ nguyên tỷ lệ sở hữu.
Dù vậy, với tỷ lệ tán thành trên 99,8%, Đại hội cổ đông đang biểu quyết thông qua các tờ trình, phương án phân phối lợi nhuận và xử lý trái phiếu chuyển đổi 3.000 tỷ đồng.
Quốc Dũng