Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ hai xuất khẩu càphê vào Nhật Bản và đang nhận được sự ưa thích của người tiêu dùng.

Do đó, doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu càphê vào thị trường khó tính này.

Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ hai xuất khẩu cà phê vào Nhật Bản. Ảnh minh họa, nguồn internet
Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ hai xuất khẩu càphê vào Nhật Bản. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, văn hóa sử dụng càphê từ châu Âu gần đây đã ảnh hưởng tích cực đến tập quán tiêu thụ đồ uống nóng tại Nhật Bản, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với càphê trong giới trẻ. Điều này không chỉ khiến giới trẻ tiêu dùng càphê hòa tan tại các quán càphê đặc biệt và các cửa hàng càphê có thương hiệu mà còn khuyến khích họ tự pha chế càphê hòa tan tại nhà, khiến nhu cầu về các loại càphê hòa tan tăng.

Nhập khẩu càphê của Nhật Bản ghi nhận mức thấp trong 2 năm liên tiếp 2020 và 2021 do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự phổ biến của càphê đang tăng lên và lan rộng trên toàn cầu dẫn đến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tại Nhật Bản sẽ tăng trở lại vào những năm tới.

Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương dẫn số liệu từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy năm 2021, Nhật Bản nhập khẩu càphê đạt 409.800 tấn, trị giá xấp xỉ 1,32 tỷ USD, tăng 2,7% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với năm 2020.

Đáng lưu ý, năm 2021, giá nhập khẩu bình quân càphê vào Nhật Bản đạt mức 3.212 USD/tấn, tăng 8,7% so với năm 2020; trong đó, giá nhập khẩu bình quân càphê từ hầu hết nguồn cung chính tăng, mức tăng cao nhất 23,2% từ Guatemala và mức tăng thấp nhất 5,9% từ Brazil.

Người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng ưa chuộng sản phẩm càphê của Việt Nam

Đặc biệt, trong năm 2021 Nhật Bản tăng nhập khẩu càphê từ Brazil và Việt Nam nhưng giảm nhập khẩu từ các thị trường cung cấp chính như Colombia, Guatemala, Ethiopia.

Theo thống kê, nhập khẩu càphê của Nhật Bản từ Việt Nam trong năm 2021 đạt xấp xỉ 101.000 tấn, trị giá 182,9 triệu USD, tăng 0,2% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với năm trước đó. Thị phần càphê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản giảm từ 25,25% năm 2020 xuống 24,62% năm 2021.

Theo ước tính, xuất khẩu càphê của Việt Nam trong tháng 2/2022 đạt 130.000 tấn, trị giá 304 triệu USD, giảm 20,4% về lượng và giảm 18,0% về trị giá so với tháng 1/2022, so với tháng 2/2021 tăng 5,7% về lượng và tăng 40,1% về trị giá.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu càphê của Việt Nam ước đạt 293 nghìn tấn, trị giá 674 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 35,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu càphê Robusta sang các thị trường Đức, Bỉ và Anh tăng trưởng ở mức cao.

Theo các chuyên gia, Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Do đó, việc hai nước cùng tham gia những hiệp định này tạo rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác thương mại song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt khi cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau.

Vì vậy, khi xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Nhật Bản, các doanh nghiệp cần chú ý đến chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường này. Hơn nữa, sản phẩm phải phù hợp với Luật Vệ sinh môi trường và qua các bước kiểm dịch động thực vật trước khi vào được thị trường Nhật Bản.

Ngoài ra, dân số Nhật đang bị già hóa nên xu hướng tiêu dùng của người Nhật Bản đối với hàng nông sản, đặc biệt quan tâm đến yếu tố tác động tới sức khỏe, sau đó là giá thành và sự tiện lợi của sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp cần ghi rõ trên bao bì của sản phẩm các thông tin về thành phần dinh dưỡng, cách chế biến, bảo quản, hạn sử dụng./.

Lê Pháp (T/h)