Trong lúc Trung Quốc tiến gần đến Tết Nguyên đán, chính phủ nước này phải “gồng mình” giải quyết một vấn đề trong nước ngày càng nghiêm trọng: tình trạng thiếu thịt lợn.
Họ quyết định cắt giảm thuế thịt lợn để giảm thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh, giảm giá thịt lợn và giảm cơn thịnh nộ của người tiêu dùng thuộc tầng lớp lao động.
Bình ổn giá trước Tết Nguyên đán
Việc giảm thuế được công bố hôm 23/12 là biện pháp mới nhất trong gói các biện pháp được Bắc Kinh đưa ra từ khi đàn lợn nước này bị tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh lây lan nhanh và dẫn đến tử vong ở lợn. Đến nay, vẫn chưa có vắc-xin chữa loại bệnh này.
Trước đó vài ngày, Bộ Thương mại nước này cho biết sẽ cung cấp thêm 40.000 tấn thịt từ kho dự trữ thịt lợn chiến lược quốc gia để bình ổn giá.
Trung Quốc hồi tháng 11 đã ghi nhận chỉ số lạm phát tiêu dùng tăng cao nhất kể từ năm 2012 sau khi giá thịt lợn tăng hơn gấp đôi so với một năm trước. Thịt lợn vốn là thực phẩm chính của nhiều hộ gia đình Trung Quốc.
Người dân mua thịt lợn trong một siêu thị mới khai trương ở Tân Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, hôm 19/12 (Ảnh: Getty)
Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, giá thịt lợn giao buôn tháng 10 có lúc tăng vọt lên tới 58,58 nhân dân tệ/kg (8,36 USD). Mức giá sau đó được kiểm soát và hạ xuống còn 43,40 nhân dân tệ/kg, nhưng vẫn đang cao hơn 120% so với năm trước - 19,7 nhân dân tệ/kg (2,81 USD). Wall Street Journal cho biết giá cả mặt hàng này sẽ còn tăng tiếp và dự kiến có thể đạt đỉnh trong vòng vài tháng tới.
Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở Trung Quốc từ tháng 8/2018 khiến cho đàn lợn nước này mất đi hàng triệu con trong một thời gian ngắn. Theo dữ liệu từ RaboResearch Food & Agribusiness, tính đến cuối năm 2019, quốc gia này đã mất tới gần một nửa đàn lợn của mình, tương đương với 300 triệu - 350 triệu con.
Điều này đã buộc người tiêu dùng phải tìm phương án thay thế. Người dân đang trả nhiều hơn từ 11-25% cho các thực phẩm protein khác như thịt bò, thịt gà và trứng, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Các quan chức hàng đầu nước này cho biết họ muốn bình ổn giá thịt lợn trước thời điểm tuần nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1. Đó là lúc nhiều gia đình Trung Quốc quây quần làm bánh bao nhân thịt, thịt kho tàu và canh thịt viên với nguyên liệu từ thịt lợn.
Wen Tiejun, chuyên gia về kinh tế vĩ mô và kinh tế bền vững từ Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết các chuyên gia Trung Quốc đang cố gắng tìm ra lý do giá thịt lợn tăng vọt như vậy.
“Giá thịt lợn đang tăng quá nhanh”, ông Wen nói. “Tôi e rằng nó không chỉ đơn giản bắt nguồn từ mối quan hệ cung - cầu, thiếu lợn hoặc dịch bệnh”.
Theo ông Wen, giá thịt lợn tăng nhanh liên tục đến mức giá các mặt hàng nội địa Trung Quốc khác có thể biến động theo có khả năng do các nhà đầu cơ thịt lợn đứng sau.
Giá thịt lợn tăng khiến thị trường tiêu dùng Trung Quốc chao đảo (Ảnh: Getty)
Kể từ mùa hè, giới lãnh đạo Trung Quốc đã triệu tập những kẻ thao túng giá thịt lợn. Cơ quan hoạch định kinh tế hứa hẹn cấp giấy phép về đất đai, cho vay và trợ cấp cho người chăn nuôi lợn để tiếp tục sản xuất. Trong khi đó, Bộ Giao thông ra chính sách không thu phí xe chở lợn.
Thịt lợn thành xa xỉ phẩm
Ngay cả khi ở đỉnh điểm căng thẳng thương mại với Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn quyết định miễn áp thế nhập khẩu với thịt lợn từ Mỹ. Trong tháng này, Trung Quốc đã hứa tiến hành “giao dịch quan trọng” với các chủ nông trại chăn nuôi lợn Mỹ.
Tại thời điểm đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc khẳng định họ ít nhiều mang lại cuộc sống “khá giả” cho công dân của mình thì “giá thịt lợn tăng có thể làm suy yếu hình ảnh của đảng và chính phủ”, tờ Financial Times dẫn lời Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa nói với nhân sự cấp cao của đảng này trong một cuộc họp tháng 9.
Sự lên xuống của giá thịt lợn giờ đây trở thành chủ đề được bàn tán khắp Trung Quốc. Trên các mạng xã hội nước này như Weibo và TikTok, người dùng đã chế ảnh miếng thịt lợn dày quấn trên cổ tay hay ngón tay như một món đồ trang sức quý giá.
Người đàn ông ngồi trên chiếc xe máy bên cạnh những con lợn vừa được mổ tại chợ bán buôn ở ngoại ô Thượng Hải (Ảnh: Bloomberg)
Bắc Kinh trong tháng này cũng vướng vào lùm xùm sau khi truyền thông vạch trần các “tập đoàn đầu cơ lợn” sử dụng máy bay không người lái thả thức ăn nhiễm virus gây bệnh dịch tả heo Châu Phi xuống các trang trại lợn. Các băng đảng này sau đó thương thảo với những chủ trang trại hoảng loạn mua lợn với giá rẻ để bán lại, theo China Comment.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tuần trước đã hứa sẽ xử lý các tập đoàn này, thiết lập đường dây nóng để người dân trình báo. Ít nhất một trang trại lợn lớn ở Mãn Châu tuyên bố đã sử dụng thiết bị gây nhiễu tín hiệu để bảo vệ cơ sở của mình khỏi các vật thể bay không người lái.
Theo Zing.vn