Từ tháng 8/2017, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau đó, đến tháng 10/2019, Bộ Công thương quyết định gia hạn thêm 5 năm kể từ ngày 26/10 đối với biện pháp chống bán phá giá được áp dụng cho một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).
Trước những biện pháp phòng vệ quyết liệt, các doanh nghiệp thép của Việt Nam đã “dễ thở” hơn trước. Những dự án, nhà máy, dây chuyền được đầu tư để phát triển ngành thép trong nước.
Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động, bằng nhiều cách, thép hình chữ H Trung Quốc giá rẻ vẫn tìm được đường vào và khuynh đảo thị trường Việt Nam khiến doanh nghiệp trong nước chịu thiệt hại lớn.
Doanh nghiệp sản xuất thép hình chữ H trong nước thua lỗ do sản phẩm bị bán phá giá
Cụ thể, theo phản ánh của Posco SS Vina, từ đầu năm 2019 đến nay, thép hình chữ H của Nhà máy Alliance Steel từ Malaysia (100% vốn từ Trung Quốc) nhập vào Việt Nam ồ ạt với giá thấp hơn Posco gần 60 USD/tấn.
Sau đó, Công ty Posco SS Vina đã tìm mọi biện pháp để giảm giá sản phẩm, tuy nhiên, sau nhiều tháng, tình hình không có tiến triển do Alliance Steel bán phá giá thị trường quá sâu.
Do đó, Posco SS Vina đã phải chấm dứt hoạt động dây chuyền sản xuất thép thanh công suất 500.000 tấn/năm, cắt giảm lao động hơn 220 người để tái cơ cấu sản xuất và hiện chỉ còn tập trung sản xuất và bán thép hình.
Theo thông tin từ Posco SS Vina để ngăn chặn thép hình của Alliance Steel, công ty này đã hoàn tất nộp đơn khởi kiện việc bán phá giá này vào ngày 6/11/2019. Đến đầu tháng 12, Công đoàn của Công ty Posco SS Vina cũng đã gửi đơn thư kiến nghị đến Bộ Công Thương.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên, các doanh nghiệp thép “kêu cứu”, trước đó, 3 đơn vị gồm: Công ty TNHH Posco – Việt Nam, Công ty CP China Steel Sumikin Việt Nam và Công ty TNHH Một thành viên Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL cũng đã có đơn thư yêu cầu điều tra tình trạng thép bán phá giá.
Sau đó, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2703/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trước tình trạng thép hình chữ H từ Trung Quốc vào Việt Nam đã bán phá giá các doanh nghiệp tại Việt Nam lao đao, Bộ Công thương áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) từ 20,48 - 29,17% đối với sản phẩm này.
Sau khi thuế CBPG được áp dụng với thép hình Trung Quốc, sản phẩm này vào Việt Nam có xu hướng giảm. Tuy nhiên, theo phản ánh từ giới chuyên môn, thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam từ Malaysia lại tăng đột biến.
Trong đó, chủ yếu là sản phẩm từ Nhà máy Alliance Steel ở Malaysia. Điều đáng nói, Nhà máy Alliance Steel tại Malaysia có 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc. Ngoài ra, các vị trí chủ chốt và hầu hết công nhân tay nghề cao cũng được đưa từ Trung Quốc sang.
Để bảo vệ sản xuất trong nước lẫn quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra các đối sách ngay khi có dấu hiệu như hàng nhập khẩu gia tăng, có đơn kiện của DN hoặc thậm chí tự quyết định điều tra phòng vệ thương mại.
PV