Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, nếu tính bình quân quãng đường đi lại của mỗi hành khách khoảng 10-12 km và thấp nhất một hành khách phải tốn khoảng 60 nghìn đồng phí di chuyển, thì mỗi ngày với khoảng 120 nghìn hành khách, chỉ riêng việc đi và đến các bến xe Hà Nội đã mất 7,2 tỷ đồng. Một năm khách đi và đến các bến Hà Nội phải chi phí rất lớn, lên tới 2.658 tỷ đồng.
Vấn đề di chuyển tại các bến xe phải được quan tâm đúng mức (Ảnh minh họa)
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ - nguyên Phụ trách công tác khách vận Vụ Vận tải (Bộ Giao thông-Vận tải) cho rằng, bến tàu là bộ phận thiết yếu của mạch máu giao thông, liên quan mật thiết đến cuộc sống của hàng triệu người dân vì vậy việc chuyển dời bến xe ra xa trung tâm, nhất là tại đô thị lớn như Hà Nội sẽ gây bất lợi đối với hành khách, là cơ hội để xe dù, bến cóc tràn vào các khu đô thị, gây mất trật tự ổn định giao thông. Do vậy, không thể để bến xe thành “hòn đảo đơn độc” đứng ngoài đô thị.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy nguyên nhân cơ bản khiến vấn nạn ùn tắc và tai nạn giao thông ngày càng trầm trọng là do quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội hiện nay chỉ chiếm 7-8%, trong khi yêu cầu là 20-25%. Do vậy, cùng với việc giữ lại các bến xe để tăng kết nối, tăng quỹ đất cho giao thông khu vực nội đô, các cơ quan chức năng cần phải thực hiện tốt quy hoạch, trong đó có việc ngăn chặn có hiệu quả việc cấp phép nhà cao tầng trong nội thành.
Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, với những đô thị lớn, đô thị đặc biệt có quỹ đất hạn chế không thể mở rộng thêm bến xe thì có thể xây dựng các bến xe cao tầng, bến xe ngầm thay vì di chuyển.
Hằng Vương