Từ tháng 7 đến tháng 9/2018, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành các quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi 39 loại thuốc trong nước và 15 loại thuốc thành phẩm từ nước ngoài có dược chất Valsartan điều trị huyết áp, tim mạch do phát hiện tạp chất có nguy cơ gây ung thư. Ngay sau đó, Sở Y tế Hà Nội đã vào cuộc, rà soát tất cả danh mục thuốc trúng thầu của các đơn vị trên địa bàn. 

Ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, kết quả rà soát, Hà Nội có 4 bệnh viện và 3 công ty dược phẩm trúng thầu một số thuốc chứa Valsartan có trong danh mục thuốc Cục Quản lý dược cảnh báo. Các đơn vị đã thu hồi được khoảng 138.000 viên thuốc chứa Valsartan. Tuy nhiên, có hai bệnh viện đã cấp phát hết số thuốc bị buộc thu hồi. 

Còn nhiều khó khăn trong việc thu hồi thuốc kém chất lượng - Hình 1
 Để không mua phải thuốc kém chất lượng, khách hàng nên tìm mua thuốc tại các cửa hàng có uy tín

Thanh tra Bộ Y tế cũng vừa ban hành quyết định thu hồi sản phẩm bảo vệ sức khỏe Calci ABC (số lô: 021016, ngày sản xuất: 21/10/2016, hạn sử dụng: 20/10/2019) của Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Cao Mai vì có kết quả kiểm nghiệm không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố. Calci ABC được quảng cáo bổ sung các acid amin thiết yếu có trong men bia tươi và các vitamin giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, đồng thời hỗ trợ tăng cường miễn dịch cho người mới ốm dậy. 

Điều dễ nhận thấy, từ khi công ty đưa ra thị trường tiêu thụ sản phẩm cho đến khi nhận được quyết định thu hồi của cơ quan chức năng là gần 2 năm. Trong thời gian đó, những sản phẩm không đạt chuẩn đã được người tiêu dùng... sử dụng hết.

Về nguyên tắc, khi có quyết định thu hồi, các nhà sản xuất, đơn vị phân phối có trách nhiệm thông báo đến các nhà thuốc và tổ chức thu hồi. Tuy nhiên, một dược sĩ phụ trách nhà thuốc phố Trường Lâm (ở phường Đức Giang, quận Long Biên) cho biết, việc thu hồi thuốc kém chất lượng phải do công ty phân phối thuốc thực hiện chứ nhà thuốc không có quyền thu hồi. Thế nhưng, không mấy đơn vị sốt sắng với việc thu hồi thuốc. Thậm chí, họ không đến nhận thuốc mang về mà để nhà thuốc tự niêm phong và bảo quản. Nếu nhà thuốc nào tiếp tục bán thì cũng… không sao. 

Và còn một vấn đề đáng lo ngại ở đây nữa chính là việc thuốc sau khi bị thu hồi còn trở lại thị trường hay không thì không ai biết. Trong khi nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cũng không công khai cụ thể lượng sản phẩm đó đã tiêu thụ bao nhiêu, còn lại bao nhiêu.

Qua việc thanh, kiểm tra về dược, mỹ phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế đánh giá, trong vấn đề thu hồi thuốc, các địa phương cũng chưa tích cực đôn đốc các cơ sở y tế, các công ty dược khẩn trương thu hồi theo yêu cầu của Bộ Y tế, đồng thời chưa xử lý kịp thời các thuốc có vi phạm chất lượng. 

Trước thực tế trên, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý chất lượng thuốc. Mặt khác, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở sử dụng thuốc tăng cường công tác quản lý, thực hiện đúng quy định hiện hành về sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối, thu hồi thuốc đúng quy định. 

Nguyên nhân khiến tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc bị thu hồi còn “đất sống” là do thói quen mua thuốc tùy tiện, không cần đơn thuốc của người dân. Trong năm nay, Bộ Y tế sẽ hoàn thành dự án ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng với tất cả nhà thuốc trên toàn quốc. Mục tiêu của dự án này nhằm kiểm soát xuất xứ, giá thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc để góp phần giám sát việc bán thuốc theo đơn, kiểm soát giá thuốc, nguồn gốc và chất lượng thuốc. 

Hằng Vương