Trước đó, ngày 16/3/2023, Đội QLTT số 7, Cục QLTT thành phố Hải Phòng phối hợp cùng Đội Cảng sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an quận Hải An đã tiến hành kiểm tra đối với Hội kinh doanh Nguyễn Văn K, địa chỉ: số 385 đường Cát Bi, phường Cát Bi, quận Hải An, TP. Hải Phòng, do ông Nguyễn Văn K làm chủ hộ kinh doanh. Qúa trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 1600 đôi giầy, dép các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn “NIKE”, “CONVERSE”, “LOUIS VUTTON”, “ADIDAS”, “CROCS”, “PUMA”, “MLB”,..
Ngày 23/3/2023, lực lượng chức năng tiếp tục tiến hành khám kho chứa hàng của ông K, có địa chỉ tại Khu Đồng Xá 2, phường Thành Tô, quận Hải An, TP. Hải Phòng. Qúa trình khám kho chứa hàng từ ngày 23/3/2023 đến ngày 25/3/2023 đã phát hiện và tạm giữ 4340 đôi giày thể thao các loại giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam như: “NIKE”, “CONVERSE”, “BALENCIAGA”, “MLB”,.. Qua quá trình thẩm tra, xác minh vụ việc, lực lượng chức năng xác định toàn bộ số hàng hóa được tạm giữ trên đều là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trị giá lô hàng hơn 1,5 tỷ đồng.
Xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Đội QLTT số 7 đã chuyển giao hồ sơ vụ việc cùng toàn bộ tang vật vi phạm có liên quan sang Công an quận Hải An để tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật. Ngày 28/7/2023, Công an quận Hải An đã ra Quyết định khởi tố vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và Quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn K, đăng ký thường trú tại thôn Hùng Hương, xã Đông Hưng huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 226 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại điểm 4 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi năm 2009,2019 và 2022). Theo đó, quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dãn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi năm 2009,2019 và 2022). Theo đó, các hành vi: Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu; Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại điều 131 của Luật này thì bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
Cá nhân, tổ chức có hành vi có ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Như vây, pháp luật đã quy định rất rõ về quyền sở hữu công nghiệp, cũng như hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và chế tài xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Việc kinh doanh các hàng hoá giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam là hành vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định.
Quỳnh Nga